Một hành tinh trẻ cô đơn, vô gia cư với kích cỡ lớn gấp 7 lần sao Mộc vừa lọt vào tầm mắt của các nhà thiên văn học.

Kính viễn vọng của NASA đã giúp các nhà thiên văn lần đầu tiên tìm thấy một hành tinh không nhà.
Hành tinh có tên mã CFBDSIR2149 này được quy là “vô gia cư” do nó không có bất cứ ràng buộc trọng lực hay xoay quanh một ngôi sao nào khác. Đây là hành tinh cô lập đầu tiên từng được phát hiện, sau hơn một thập kỷ tìm kiếm của giới thiên văn trong một nỗ lực được ví là “mò kim đáy bể”.

Với kích cỡ lớn gấp 7 lần sao Mộc, CFBDSIR2149 trôi nổi tự do trong vũ trụ và đáp ứng được các tiêu chí cụ thể về khối lượng, nhiệt độ, tuổi để được định nghĩa là một “hành tinh”. Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Montreal, hành tinh này có tuổi khoảng 50-120 triệu năm, với nhiệt độ xấp xỉ 400 độ C. Họ cũng tin nó từng thuộc về một nhóm khoảng 30 ngôi sao cực trẻ có tên AB Doradus Moving Group.

Tuy các nhà khoa học vẫn biết về sự tồn tại của hành tinh vô gia cư nhưng họ chưa từng quan sát được một vật thể như vậy cho tới trước CFBDSIR2149. Có thể nó đã bị văng khỏi nhóm trong quá trình hình thành, Telegraph nêu giả thiết.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của nó cũng ủng hộ một giả thiết rằng những vật thể vô gia cư kiểu này thực ra phổ biến hơn so với quan niệm trước đây.

“Chúng tôi đã quan sát hàng trăm triệu ngôi sao và hành tinh, tuy nhiên chỉ mới tìm thấy một hành tinh không nhà kiểu này ở những thiên hà gần chúng ta. Giờ đây, chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm ở các khu vực xa hơn”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Thời gian trước, các nhà khoa học cũng từng tìm thấy một số vật thể trôi nổi nhưng họ không thể khẳng định chắc chắn chúng là hành tinh hay chỉ là “chú lùn Brown”. Đây là một thuật ngữ chuyên ngành để chỉ những ngôi sao không đủ điều kiện để trở thành hành tinh, mà chủ yếu là thiếu hạt nhân trung tâm.

Y Lam