Nước trên sao Hỏa và Trái đất dường như có chung một nguồn gốc từ các thiên thạch đâm vào các hành tinh này trong giai đoạn mới hình thành.

Nước trên sao Hỏa có thể cùng nguồn gốc với nước trên Trái đất.

Các nhà khoa học thuộc trung tâm vũ trụ Johnson của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã phân tích 2 mảnh đá sao Hỏa rơi xuống Trái đất và phát hiện thấy rằng nước từng chảy trên hành tinh đỏ và các đại dương trên Trái đất nhiều khả năng có chung một nguồn gốc. Hai hành tinh này hình thành song song với nhau, nhưng sau đó tiến hóa theo hướng khác nhau.

Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng nước trên Trái đất và sao Hỏa có nguồn gốc từ những thiên thạch chondrite chứa hạt khoáng nhỏ. Phát hiện mới này trái ngược với giả thuyết phổ biển trước đây cho rằng nước trên hành tinh như Trái đất vào sao Hỏa đến từ các sao chổi.

“Những thiên thạch này chứa hạt bazan dạng lỏng, không giống như bazan phun trào ở Hawaii”, tiến sĩ John Jones, chuyên gia nghiên cứu về đá tại Trung tâm vũ trụ Johnson, cho biết trên Space.

Hai mảnh thiên thạch sao Hỏa trong cuộc nghiên cứu đến từ 2 nguồn nước cổ đại khác nhau trên hành tinh đỏ, giúp hé lộ những điểm quan trọng trong thời kỳ đầu hình thành của hành tinh này. Một mảnh đá đến từ tầng giữa của sao Hỏa, mảnh đá còn lại thuộc lớp vỏ của hành tinh này.

Mảnh đá có nguồn gốc từ lớp giữa cho thấy rằng bên trong của sao Hỏa tương đố khô, trong khi, mảnh đá còn lại có lượng nước nhiều gấp 10, chứng tỏ rằng lớp bề mặt của hành tinh đỏ có thể đã từng tồn tại điều kiện ẩm ướt.

Hà Hương