Các nhà khoa học tại King’s College London (Anh) vừa phát hiện RASGRF-2 – một loại gen có khả năng gây nghiện rượu bằng cách tăng cường mức độ của hóa chất dopamine khiến não cảm thấy phấn khích.

Nghiện rượu cũng là do gen?

Hình ảnh quét não của 663 thiếu niên cho thấy những người có phiên bản gen RASGRF-2 thường phản ứng với dopamine cao hơn trong thí nghiệm.

Lúc 14 tuổi, nhóm thiếu niên này có sự hoạt động nhiều hơn ở phần não được gọi là vùng vân bụng (ventral stritum) vốn liên quan đến sự phóng thích dopamine.

Khi tiếp xúc lại với nhóm người này và hỏi về thói quen uống rượu lúc các em lên 16 tuổi, các nhà khoa học nhận thấy những thiếu niên có “thủ phạm” biến thể gen RASGRF-2 thường  uống rượu nhiều hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Gunter Schumann nói: "Chúng tôi phát hiện rằng gen RASGRF-2 đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát phương thức rượu kích hoạt việc phóng thích dopamine. Từ đó, trong não người dùng dấy lên cảm giác thỏa mãn. Vì vậy, với những người có biến thể gen RASGRF-2, rượu mang đến cho họ cảm giác thỏa mãn mạnh mẽ hơn, khiến họ dễ trở thành người hay uống rượu”.

Theo ông Schumann, trước đây chưa có nhiều bằng chứng về gen cũng như những yếu tố tác động từ môi trường khiến người uống nhiều rượu. Phát hiện này đã làm rõ thêm về việc nhiều bợm nhậu khó cưỡng lại sức hút của "ma men".

Tuy nhiên, ông Schumann thừa nhận cần có thêm nghiên cứu minh chứng cho lý thuyết nói trên vì khảo sát này chỉ thực hiện ở tuổi thiếu niên. Ông hy vọng rằng trong tương lai có thể dùng phương pháp xét nghiệm gen để đoán biết trước ai là người dễ nghiện rượu.

Theo NLĐ