Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành sẽ phối hợp trình các phương an điều chỉnh giá điện để Thủ tướng lựa chọn phương án hợp lý nhất, áp dụng từ đầu tháng 3 tới. Như vậy, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là người dân và các hộ tiêu dùng lớn sẽ phải mua điện với mức giá mới cao hơn.



Quyết định này không có gì bất ngờ bởi nó nó nằm trong lộ trình tăng giá điện cho phù hợp với thị trường đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện giờ là phương án tăng giá nào sẽ được lựa chọn? 11% hay 30-40% như đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)?

Cho tới thời điểm hiện tại (14/2), cho dù vẫn còn 2 tuần nữa để quyết định, nhưng xem ra các mức tăng quá cao như 30-50% là không xảy ra.

Trong 5 phương án, phương án tăng 30-40% của EVN đã không được Bộ Công thương ủng hộ.

Hiện tại, hai phương án có thể sẽ được chọn để trình lên Chính phủ xem xét và cân nhắc ngay trong tuần này là phương án tăng 18% do Bộ Công thương đề xuất và phương án 11% của Bộ Tài chính.

Trong hai phương án nói trên, phương án 18% đang được nhiều chuyên gia lựa chọn. Theo họ, mức tăng giá điện chỉ trong khoảng 15-20% là hợp lý. Mức tăng này không đáp ứng được đòi hỏi của EVN và Than Khoáng sản nhưng cũng không thể tăng cao bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều ngành và sản phẩm khác. Trong khi đó, các mức thấp hơn cũng khó bởi tăng giá điện phải tính tới nhiều yếu tố như trượt giá, giá khí, giá than, giá điện nhập khẩu, tỷ giá USD/VND… Tất cả điều biến động mạnh trong năm 2010 và  nó sẽ là các yếu tố để chính phủ cân nhắc và lựa chọn.

Tính toán cho thấy, nếu phương án tăng giá điện thêm 18% được Chính phủ thông qua, giá điện sẽ tăng thêm hơn 160 đồng/kWh.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm, giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%. Các mốc thời gian áp dụng giá điện mới đều tính từ ngày 1/3 hàng năm. Tháng 3/2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh. Theo đó, giá bán điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng/kWh.

H.Linh