- Từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn hai tháng nữa nhưng người tiêu dùng đã mấy phen thót tim vì những thông tin về gà. Các số liệu, dự báo mỗi lúc đưa ra một kiểu chẳng khác nào “loạn như gà” khiến nhiều người chăn nuôi bức xúc cho rằng chẳng khác nào dự báo như “gieo quẻ”.


Không chỉ đơn giản là phải dùng gà lậu, gà thải trong các bữa cơm bình dân mà năm nay, khả năng phải dùng ngay cả gà nhập, gà thải trong dịp Tết. Mà điều đáng buồn cười là cội nguồn của những thông tin này lại xuất phát từ dự đoán thịt gà của những cơ quan có trách nhiệm…

“Không đủ thịt gà” quả là một tin đáng ngại đối với dân chúng, bởi đối với người Việt ta, Tết, cơm cúng mà thiếu con gà tươi, sạch mà thay vào đó là “gà nhập”, gà thải thì làm sao chấp nhận nổi?

Tuy nhiên, có xâu chuỗi lại sự kiện thì mới biết hiện tượng “thiếu gà” đã được dự báo từ rất lâu, chỉ có điều thông tin đưa lên thì loanh quanh, khó hiểu.

Từ đầu quí 4/2012, người ta đã dự báo tết này phải ăn gà nhập. Lý do: 9 tháng đầu 2012 cả nước đã nhập khẩu tới 52.586 tấn thịt gà, trong đó có 6.147 tấn gà thải nguyên con từ Hàn Quốc, chưa kể nguồn gà đẻ thải nhập lậu từ Trung Quốc mỗi năm ước tính từ 70.000 – 100.000 tấn, với giá chỉ khoảng 18.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thành chăn nuôi gà trong nước lên đến 30.000 đồng/kg. Như vậy là mỗi kg gà, người nuôi đã lỗ hơn 10.000 đồng.

Tình trạng gà “nhập đá gà nhà” này đã khiến nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ đàn, treo chuồng vì lỗ nhiều và phá sản. các chủ trại nuôi gia công giãn thời gian nuôi từ 4-5 lứa/năm xuống còn 2 lứa/năm, các công ty khác cũng đang lên kế hoạch giảm đàn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gà trong những tháng cuối năm.


Mức giãn nuôi như thế tương ứng với việc sản lượng gà giảm mạnh. Vì thế, cảnh báo đã được phát ra: Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục thì việc Tết này dân phải ta ăn gà nhập là điều khó tránh khỏi.

Nhưng sau đó, đã có không ít ý kiến từ ngành chức năng “cải chính”: gà nội vẫn đủ và tết này dân ta không phải ăn gà ngoại nhập!

Tuy vậy, gần đây một loạt “dự báo thịt gà” lại xuất hiện. Vừa rồi, một vị lãnh đạo thuộc Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định khả năng “thiếu gà” khó xảy ra vì nguồn thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng lượng thịt nhập khẩu.

Bởi theo vị này, ba tháng cuối năm là thời gian mà các DN nhập khẩu nhiều thịt nhất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, chưa kể một lượng lớn gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vẫn có khả năng vào thị trường Việt Nam.

Không nói rõ vì sao lại tính cả gà thải vào nguồn cung thực phẩm trong dịp tết (!?), nhưng để “chắc ăn”, vị lãnh đạo này cũng không quên gài thêm một “dự báo” khác: “khả năng dịp tết không thiếu thực phẩm, nhưng chắc chắn với tình hình như hiện nay thì sau tết sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm”!

Như thế, xuân Quý Tỵ này dân ta sẽ không thiếu gà để xài, dù có thể không phải là gà “Made in Việt Nam 100%”.

Tết mà thiếu gà thì gay go rồi, nhưng nếu đúng như dự báo đã dẫn ở trên thì nguy cơ ngày thường thịt gà cũng sẽ thiếu hụt trong bữa cơm của người dân đã hiển hiện trước mắt rồi.

Cách đây tròn 1 tháng, một nhà khoa học tên tuổi trong ngành chăn nuôi đã vui vẻ hiến kế: Từ nay tới tết còn 3 tháng. Ba tháng cũng đủ để ta cho ra một lứa gà. Gà nuôi 3 tháng mà đã được thu thì thường là các giống gà công nghiệp. Lông của chúng thường có màu trắng, màu hoa mơ hoặc màu nâu sẫm. Những màu đó không bắt mắt với các bà nội trợ. Để làm cỗ tết, họ ưa những chú gà mới lớn, cơ thể cường tráng, mào, tích đỏ tươi, lông màu sặc sỡ, dáng vẻ hùng dũng... Xưa nay, bà con vẫn nuôi giống gà ta để giữ lại cho ngày tết. Tuy nhiên, gà ta nuôi chậm lớn, phải 5 - 6 tháng mới dùng được. Vì vậy, xem ra ý tưởng này cũng không khả thi.

Ý tưởng của nhà khoa học này thật đáng quí nhưng cũng không giải quyết được cái gốc tức là cả nền chăn nuôi thì không đơn giản vậy đâu. Nền chăn nuôi trong nước phải bỏ trại, treo chuồng cắt giảm sản lượng bởi không chịu nổi sự cạnh tranh của gà lậu, gà bẩn. Người nuôi gà điêu đứng cần một sự hỗ trợ lớn hơn, thiết thực hơn từ các cơ quan chức năng để cầm cự và dần dà khôi phục lại cái gốc chăn nuôi, chứ không cần lắm chuyện “gieo quẻ bói gà” dự báo thế này thế khác nhưng rồi nông dân chăn nuôi vẫn khổ, còn người tiêu dùng vẫn ăn gà nhập lậu, gà thải không đảm bảo yêu cầu.

Tâm Thời