Năm 2012 được coi là năm của các cuộc bầu cử quan trọng với 29 cuộc bầu cử trên toàn thế giới, nhiều gấp đôi năm 2011. Khi lãnh đạo cao nhất lần lượt thay đổi ở các cường quốc Nga, Pháp, Trung Quốc và Mỹ đã khiến chính sách kinh tế của các nước này cũng thay đổi theo. Điều này gây biến động nền kinh tế thế giới năm 2012.
Nhà giàu Pháp run sợ
Tháng 5 năm 2012, Francois Hollande vượt qua đương kim tổng thống Nikolas Sarkozy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Người ta nóng lòng chờ đợi nước Pháp dưới sự lạnh đạo của Francois Hollande sẽ cải tổ cơ cấu, linh hoạt hóa thị trường lao động, cắt giảm chi tiêu công.
Tuy nhiên, chính sách kinh tế của ông Francois Hollande bị phe cực tả thì cho là ông đã quay ngoặt sang chính sách khắc khổ, cánh hữu nhận định ông “vẫn tiếp tục lừa dối người dân”, “không chịu nhìn thẳng vào thực tế”.
Tăng thuế với người giàu là một trong những cam kết mà ông Hollande đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Sau 3 tháng nhậm chức, vào tháng 8 năm 2012, tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban hành chính sách tăng thuế thu nhập đối với người giàu từ 48% lên đến 75%. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ năm 2013. Theo đó, những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm sẽ phải đóng thuế 75% kể từ năm tới.
Sau khi chính sách của Hollande được ban hành, đã có một làn sóng đầu tư ra nước ngoài và thay đổi quốc tịch.
Tiêu biểu là tỉ phú Bernard Arnault (người giàu thứ 4 trên thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ Forbes, hiện ông là chủ sở hữu công ty LVMH, quy tụ các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới như Louis Vuitton, Moet Hennessy, Christian Dior, Kenzo, Marc Jacobs, Fendy, DKNY…) đã xin nhập quốc tịch Bỉ ngay sau quyết định tăng thuế của Francois Hollande bởi trong khi công dân Pháp có thu nhập hàng từ 1 triệu euro trở lên sẽ phải đóng mức thuế suất đặc biệt 75%, thì thuế này tại Vương quốc Bỉ chỉ từ 40-50%.
Mặc dù việc thay đổi thuế suất này dự kiến đem lại 8,7 tỉ USD (khoảng 7,07 tỉ euro) cho nước Pháp song với chính sách đối đầu với người giàu này có thể nước Pháp sẽ mất nhiều hơn được.
Mỹ đối đầu “vách đá tài chính”
Ngay sau khi tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm 2012, Barack Obama đã nhấn mạnh những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm nên trả thêm thuế để cùng san sẻ gánh nặng thâm hụt ngân sách.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cử tri về chính sách tăng thuế nhằm vào người giàu nhưng Obama đang làm phật lòng giới tài chính phố Wall. Giới đầu tư đã tỏ rõ thái độ với Tổng thống Mỹ trong những phiên giao dịch chứng khoán chỉ một ngày sau khi ông tái đắc cử. Các chỉ số chứng khoán quan trọng như S&P, Nasdaq, Dow Jones đều giảm 0,9% - 1,4%.
Họ lo ngại việc ông Obama tiếp tục cầm quyền sẽ dẫn đến “vách đá tài khóa” khi các biện pháp cắt giảm được áp dụng từ thời cựu tổng thống George Bush sẽ hết hiệu lực và kế hoạch tự động cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế trị giá 600 tỷ usd sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, điều này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Obama đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 4000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới bằng cách chấm dứt chính sách giảm thuế cho tầng lớp thượng lưu và loại bỏ các lỗ hổng về thuế. Mục tiêu là nhằm cân đối ngân sách trong thời gian tới.
Vị tổng thống Mỹ cũng ủng hộ cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức tối đa 35% xuống 28%. Ông cũng lên kế hoạch chấm dứt chính sách giãn thuế đối với một loạt loại thuế đánh vào doanh nghiệp trong đó nội dung đáng chú ý nhất là ngừng ưu đãi thuế với các công ty chuyển lợi nhuận và việc làm ra ngoài nước Mỹ.
Trung Quốc chờ đợi những đổi mới
Tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình chính thức trở thành tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thay thế Hồ Cẩm Đào.
Cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng đến cùng lúc với thời điểm nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng suy giảm mang tính chất cấu trúc. Mô hình tăng trưởng hiện hành đã không còn phù hợp trong khi Trung Quốc vẫn chưa tìm ra được mô hình thay thế mới.
Sau khi nhậm chức Tập Cận Bình đã chọn đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một trong những biểu tượng của sự phát triển kinh tế Trung Quốc, làm nơi đến thăm trong chuyến vi hành đầu tiên. Ông muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng Bắc Kinh chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách.
Trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, đã có nhiều người, kể cả những nhân vật thân cận với ông Tập Cận Bình, kêu gọi ban lãnh đạo mới phải đẩy mạnh các chính sách tiếp tục đổi mới và cải tổ kinh tế. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một mô hình tăng trưởng mới, bền vững, chú trọng đến tiêu thụ nội địa, thay vì chỉ dựa vào đầu tư hạ tầng và xuất khẩu…
Sức mạnh Nga và sự trở lại của Putin
Tháng 5 năm 2012, tổng thống Vladimir Putin chính thức trở lại điện Kremlin trong vai trò người đứng đầu nước Nga.
Trở lại điện Kremli trong bối cảnh khó khăn hơn hai nhiệm kỳ trước, Putin cũng hứa diệt trừ tham nhũng, tạo ra 25 triệu việc làm. Ngoài ra tổng thống Putin cam kết là giảm bớt lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu hỏa và các khoáng sản khác, ông cũng khuyến khích phát triển công nghệ cao cho nước Nga.
Tại diễn đàn đầu tư “Nước Nga kêu gọi” lần thứ tư diễn ra vào tháng 10 năm 2012 tại thủ đô Mátxcơva, tổng thống Nga V.Putin đã tha thiết kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường rót vốn vào nền kinh tế nước này, nhất là trong các lĩnh vực doanh nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Tại diễn đàn vừa qua, Putin đã công bố các số liệu cụ thể về chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Nga. Theo đó, nợ quốc gia chiếm khoảng 10% GDP, khoản nợ với các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 2,5%. Dự trữ vàng và ngoại tệ đạt 522 tỷ USD. Mức lạm phát ở Nga hiện là 6,1%, chỉ số thấp nhất trong 20 năm qua. Với những con số đáng lạc quan như thế, các chuyên gia kinh tế đánh giá Nga có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Tổng thống Putin trở lại điện Kremlin cùng lúc với một sự kiện quan trọng là nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).