Lạm phát giảm khiến cho mối quan ngại về sức mua suy giảm, sản xuất kinh doanh vào đình trệ ngày càng lộ rõ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3/2013 giảm 0,19% được cho là một biểu hiện thông thường của nền kinh tế Việt Nam bởi đây là tháng sau Tết nên các mặt hàng từng bị đẩy giá lên cao (trong dịp Tết) sẽ phải hạ xuống, kéo CPI giảm.
Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia, CPI tháng 3 năm nay âm lại không theo quy luật kể trên. Thông thường, CPI chỉ giảm do những tháng trước Tết tăng cao. Còn năm nay, CPI lại giảm mạnh, làm nhiều người không khỏi lo lắng.
Còn quá sớm để bàn về khả năng xảy ra giảm phát hay thiểu phát trong thời gian tới, nhưng mối quan ngại hiển hiện về sức mua suy giảm là nguyên nhân đẩy tình trạng sản xuất kinh doanh vào đình trệ lại được đặt ra.
Không ít ý kiến cho rằng niềm tin vào thị trường hiện nay rất yếu và điều này đã tác động mạnh đến tiêu dùng, khiến ngay cả người có nguồn tài chính mạnh cũng không dám “vung tay” và dẫn đến sản xuất khó khăn.
Nhìn vào sức mua của người dân biểu hiện chủ yếu ở chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân, hai tháng đầu năm nay (dù là thời điểm Tết Nguyên đán), so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,6%, một tốc độ tăng thấp hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Bước sang tháng 3/2013 cũng tăng thấp làm cho cả quý I/2013 đều tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Trên thực tế, nhiều người lao động bị thiếu việc làm hoặc phải chuyển sang những việc làm phụ dẫn đến thu nhập bị giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng giảm hơn so với trước.
Điều này ngay lập tức tác động đến thị trường khiến cho nhiều loại hàng hóa tiêu thụ rất khó khăn. Các lĩnh vực như ô tô, xe máy, thép, vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép, mỹ phẩm... đều đang trong thời kỳ có doanh số bán ra sụt giảm mạnh.
Cùng với đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện đạt rất thấp so với kế hoạch cả năm (hai tháng đầu năm mới đạt 10,5% kế hoạch cả năm) và giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước (hai tháng giảm 8,1%, trong đó do Trung ương quản lý giảm tới 29,9%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn nữa.
Nguồn vốn của khu vực dân doanh cũng tăng chậm, thậm chí có thể còn bị giảm khi số DN đăng ký thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp cũ bị ngừng hoạt động, giải thể (tương ứng là 8.000 so với 8.600); đó là chưa kể xu hướng thu hẹp nhiều hơn là mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: "CPI giảm có thể là dấu hiệu cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay sẽ khả thi. Đây cũng là cơ hội để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Kể từ năm 2008 đến nay mức lãi suất cho vay bình quân luôn rất cao từ 15%-25%. Lãi suất cho vay quá cao duy trì liên tục trong thời gian dài như thế thì tất nhiên nền kinh tế không thể chịu nổi. Vì vậy, lúc này cần phải kéo lãi suất cho vay xuống”.
Tuy nhiên, không tiêu thụ được hàng hóa khiến cho sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, hàng tồn kho ở mức cao và nhu cầu về vốn giảm thấp.
Với DN có lẽ họ không chê lãi suất cao nữa mà vì hoạt động sản xuất còn khó khăn và không nhìn thấy phương án kinh doanh nào đáng để vay vốn. Bên cạnh đó là vướng quy định nợ xấu, hàng tồn kho cao nên không thể vay được vốn.
Trên thực tế thì một loạt các ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói tín dụng đáp ứng nhu cầu từng đối tượng khách hàng… nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/3, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,18%. Vấn đề của các ngân hàng bây giờ là biết cho ai vay? Ngân hàng đang phải "đốt đuốc" đi tìm những DN làm ăn tốt để cho vay mà tìm không ra.
Ông Phạm Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các DN thép hiện có nhu cầu về vốn rất thấp do đầu ra không có.
Hiện sản xuất thép chưa đạt được 50% tổng công suất, nhiều DN làm ăn cầm chừng, tức là bán được bao nhiêu thì sản xuất bằng đó, còn không thì cho dây chuyền đắp chiếu, nhân công nghỉ việc thì không ai lại đi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này. Cầm chắc thua lỗ thì vay để làm gì.
“Có tiêu thụ được hàng thì DN mới tiếp tục vay tiền để đầu tư sản xuất tiếp. Còn không, ngân hàng có giảm lãi suất thêm vài phần trăm nữa cũng không mấy DN vay trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy vòng luẩn quẩn, ngân hàng thừa tiền cho vay, hạ lãi suất nhưng DN không muốn vay vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới”, ông Nghi nhận định.
Trong khi đó, tiếng than từ DN vẫn liên tiếp phát ra từ đầu năm đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả với DN hiện nay là chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm không tiêu thụ được, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập lại tác động tới tổng cầu và cứ luẩn quẩn mãi như vậy.
Trần Thủy