Liên quan đến hệ thống điện tử ảo LR (Liberty Reserve), TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng, hiện chưa có cơ sở để khẳng định một ngân hàng nào của Việt Nam tham gia các đường dây rửa tiền ở nước ngoài.

Trao đổi với báo giới bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cho biết như vậy.

Song, ông Ngoạn cũng cho rằng, qua đây cũng thấy là chúng ta cần tăng cường theo dõi giám sát giao dịch thanh toán một cách chặt chẽ, để đảm bảo an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính. Tất nhiên, đây là yêu cầu đặt ra không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia. Phía Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền, là sự thể hiện cam kết của Việt Nam khi chúng ta hội nhập với quốc tế. Nhất là trong điều kiện tài chính toàn cầu đang hết sức phức tạp.

Với câu hỏi, từ vụ việc LR, có thể thấy ta bị động trong việc kiểm soát dòng tiền. Khi thế giới phát giác ra thì Việt Nam mới biết thông tin? Ông Ngoạn lý giải, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng có những giao dịch rửa tiền tồn tại bao lâu sau mới phát hiện ra. Các nước khác cũng vậy. Ngay cả HSBC, Standard Chatter Bank và các ngân hàng toàn cầu khác, trước đây cũng đã từng bị phạt hàng tỷ USD vì liên quan đến rửa tiền. Đấy là trực tiếp giao dịch ngân hàng mà còn xảy ra những chuyện đó.

{keywords} 

"Ở đây, chúng ta biết để tăng cường phòng tránh, phối hợp với các cơ quan an ninh tài chính trên thế giới. Vấn đề là chúng ta có ý thức, trách nhiệm quản lý mới là quan trọng”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Hoạt động rửa tiền trên thế giới đã có nhiều và luôn là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Nguồn tiền rộng, có thể từ ma túy, vũ khí và tất cả các loại tiền khác, thậm chí cả tiền tham nhũng... Những năm gần đây, liên quan đến khủng bố nên người ta càng quan tâm hơn và Việt Nam ngày càng hội nhập nên ngày càng phải đối phó với những tình huống phức tạp hơn nên phải tăng cường kiểm soát. Ông Ngoạn chia sẻ, khi còn làm ở Vietcombank ông cũng hết sức quan tâm và đã có không ít trường hợp từ nước ngoài vào đề nghị mở tài khoản giao dịch nhưng Vietcombank từ chối khi cảm thấy nghi ngờ.

3 ngân hàng phủ nhận chuyện dính líu

Ba ngân hàng ACB, Vietcombank và DongA Bank chính thức lên tiếng khẳng định không có quan hệ giao dịch với Liberty Reserve. Đồng thời, công an và Cục Phòng chống rửa tiền Việt Nam vào cuộc điều tra vụ việc.

Ông Nguyễn Thanh Toại- Phó Tổng Giám đốc ACB khẳng định: Cho đến nay, việc quan hệ giữa ACB với LR thông qua việc mở và sử dụng tài khoản của một cả nhân như bất kỳ các khách hàng khác tại ACB. ACB không ký hợp đồng trực tiếp với LR. Khi giao dịch với khách hàng, ACB áp dụng các quy chuẩn đã được xác định trong việc thông báo các hoạt động giao dịch bất thường cho các cơ quan hữu quan.

Chiều cùng ngày, Vietcombank chính thức phát đi tuyên bố: “không có bất kỳ thoả thuận hợp tác nào với Liberty Reserve”.

DongA Bank sau khi tiến hành rà soát và kiểm tra hệ thống cũng khẳng định "không có quan hệ hợp tác với Liberty Reserve”.

Tuy nhiên, theo TS. Ngoạn, để chứng minh là không liên quan, cần phải xác định các cá nhân này có mở tài khoản ở ngân hàng và giao dịch mờ ám hay không. Thông tin ban đầu chỉ là nói qua mạng, hệ thống điện tử... nhưng mục đích cuối cùng của họ là rút tiền, lấy tiền và 2 bên thanh toán với nhau. Hoạt động này luôn có những trung gian, còn gọi là “cò” đứng ra dàn xếp. Nếu ngân hàng trung gian, môi giới thì họ phải chịu trách nhiệm vì là mắt xích trong đường dây.  

"Cũng có thể còn nhiều nữa nhưng người ta giao dịch trên máy tính cá nhân thì ngân hàng không thể biết. Bởi vì, thanh toán cuối cùng, người đã mua tiền LR thì trả tiền thật cho ai? Người bán tiền ảo thì nhận tiền mặt từ đâu, từ ai? Ngân hàng có trực tiếp liên quan đến việc trả, nhận tiền đó không? Nếu có thì ngân hàng đó có vấn đề, còn không thì họ vô tội", ông Ngoạn nói.  

Điều tra chân tướng Liberty Reserve tại VN

Trong một diễn biến khác, Cục Phòng chống tôi phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) đã bắt tay phối hợp điều tra hoạt động của Liberty Reserve, trong bối cảnh có những lo ngại về mối liên quan của một số ngân hàng tại VN với đường dây rửa tiền quốc tế này.

{keywords}

Xác nhận với phóng viên, một cán bộ C50 cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra hoạt động và chân tướng của Liberty Reserve (LR) tại Việt Nam. Tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, Cục Phòng chống rửa tiền cũng đang phối hợp xác minh các thông tin liên quan đến đường dây rửa tiền này và sẽ sớm có thông tin tới báo chí để người dân được rõ.

Chưa có thông tin chi tiết được đưa ra, nhưng việc phối hợp điều tra này được tiến hành sau khi Bộ Công an tiến hành bóc gỡ đường dây rửa tiền Liberty Reserve tại VN, và cơ quan hành pháp của 17 quốc gia trên thế giới tiến hành truy quét mạng giao dịch tiền ảo LR sau khi người sáng lập tổ chức này bị bắt.

Tại VN, việc giao dịch tiền ảo LR được tiến hành qua rất nhiều tên miền khác nhau, như libertyreserve.com.vn, libertyreserve.net.vn, autoexchange.net, exchange24h.vn… Điều đáng lo ngại, là theo các hướng dẫn trên các website này, chỉ cần lập một tài khoản là những người sử dụng có thể thực hiện các giao dịch sử dụng tiền ảo LR để mua bán trực tuyến, thậm chí đổi thành tiền thật thông qua tài khoản tại một số ngân hàng ở VN.

Ngoài LR, một số website còn cho ra đời nhiều dịch vụ mua bán, trao đổi các loại tiền ảo thịnh hành khác trên thế giới như Perfect Money, Payza, Paypal, WMZ, BitCoin... và một số loại tiền ảo trong nước như Bảo Kim, Ngân Lượng...

Riêng với tiền ảo LR, để sở hữu tiền ảo này những người sử dụng phải chuyển tiền thật vào tài khoản của các chủ sở hữu website tại ngân hàng, sau đó tiền ảo LR sẽ được chuyển về tài khoản trên web của người sử dụng. Giá trị đồng tiền thường tương đương hoặc thấp hơn chút ít so với giá USD. 

(Theo Đại đoàn kết, VOV, Dân trí)