- Chính sự độc quyền đã dẫn tới những dịch vụ đắt đỏ ở sân bay và hàng không. Những cái giá trên trời, thuộc hàng nhất thế giới khiến nhiều người đến sân bay ăn một lần chết khiếp như dính phải cơm tù.
Cuối cùng thì những tiếng kêu ai oán của những hành khách “nhà giàu đi tàu bay” bởi nạn chặt chém vô tội vạ từ dịch vụ ăn, uống tại các phi trường cũng tới được “trời cao”.
Một sự thực ai cũng biết đã chính thức được cảnh báo khi Cục Hàng không Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không cả 3 miền Bắc, Trung, Nam tăng cường kiểm tra, khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phi hàng không; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền trong kinh doanh tại khu vực sân bay để nâng hoặc hạ giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý...
Đây được xem như nỗ lực lớn của hàng không Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách gột bỏ những hoen ố không hay của ngành. Không nói thì ai cũng hiểu, vấn nạn chặt chém cơm phở, ăn uống đối với các hành khách cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không... chẳng phải là chuyện gì mới mẻ ở nước ta, tuy nhiên, giải quyết nhanh hay chậm thì mỗi nơi lại mỗi khác.
Xét về hình thức, hàng không là phương tiện có tốc độ nhanh nhất và đắt tiền nhất và văn minh nhất đáng lý không nên có những chuyện chặt chém “sơ đẳng” như thế mà nếu có cần phải được giải quyết với tốc độ nhanh. Tuy vậy, trên thực tế việc giải quyết chuyện chặt chém trong dịch vụ thì chậm rì, chậm hơn cả đường bộ!
Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, nạn “cơm tù” các chuyến xe liên tỉnh trên đường bộ diễn ra nhức nhối tại một số tỉnh dọc theo đường Quốc lộ 1, đặc biệt tại những điểm nóng như Hồng Lĩnh, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho đến khi cơ quan công luận lên tiếng, rồi cơ quan pháp luật vào cuộc thì tình trạng cơm tù của người nghèo cơ bản đã được dẹp yên.
Tương tự, chuyện chặt chém tại các phi trường cũng đã diễn ra từ lâu với mức độ trắng trợn không hề thua kém nhưng không hiểu sao lần này mới được phát giác và được cơ quan chủ quản đứng ra giải quyết triệt để?
Phải chăng, với những người có tiền đi “tàu bay” thì chuyện phải ăn bát phở từ vài chục tăng lên thành một, hai trăm ngàn đồng, uống cốc cà phê đắt gấp 5-10 lần chỉ là khoản tiền lẻ nên không ai để ý. Phải chăng vì những người quản lý “tàu bay” cũng từng lý giải đi máy bay thì đương nhiên là hành khách phải xử dụng những dịch vụ đắt tiền!.
Hay là những tệ nạn này không diễn ra giữa bàn dân thiên hạ như đường đường bộ mà được bưng bít trong bốn bức tường kính của phi trường, nên nó không thể xuất đầu lộ diện sớm trên công luận để cơ quan có trách nhiệm sớm vào cuộc?
Bất luận thế nào thì cuối cùng “cái kim trong bọc” lâu ngày cũng phải lòi ra. Nhưng cũng cần lưu ý trước đó, tỷ lệ hơn 47,7% hành khách trả lời không hài lòng và chỉ vẻn vẹn 12,5% hài lòng với dịch vụ của ngành hàng không trong một cuộc khảo sát ngay trên trang web của Cục Hàng không cho thấy sự bất bình đáng lưu tâm của khách hàng khi xài loại phương tiện đắt tiền này...
Xét đến cùng, trong giao thông hay bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống người ta cũng chỉ có một cái đích chung. Cái đích chung trong câu chuyện này là loại bỏ bớt những bất cập trong việc cung cấp các dịch vụ, triệt tiêu những hành vi cơm chém., phở chặt đầy trắng trợn tại các nhà ga, bến tàu và cả phi trường sang trọng.
Nếu đúng như vậy, thì cuối cùng ngành hang không Việt Nam cũng đã tiến sát đến cái mục tiêu này. Dẫu chậm nhưng loại bỏ cơm tù sân bay cũng cần quyết liệt và mạnh tay.
Tâm Thời