Nhiều Việt kiều hồi hương ở TP Đà Nẵng đang lo lắng vì tấm “thẻ xanh” của mình bị một số đối tượng mượn đi làm thủ tục nhập xe ô tô theo diện tài sản di chuyển.
Sợ rắc rối vì tiếp tay cho buôn lậu
Năm 2010, ông Huỳnh S. cùng vợ được con trai bảo lãnh sang Hoa Kỳ sinh sống và được cấp thẻ xanh (được hưởng quy chế thường trú). Đến cuối năm 2011, do hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng ông phải hồi hương, về định cư tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Tháng 2-2012, ông S. tình cờ gặp một người đàn ông cỡ 45 tuổi tên Mỹ. “Người này đặt vấn đề: “Chú về đây được quyền mua một chiếc xe bên Hoa Kỳ mang về mà không phải chịu mức thuế cao. Nếu chú không đủ tiền mua thì để tụi con mua, chú chỉ cần đứng tên”. Anh Mỹ cũng hứa sẽ đưa cho tôi 3.000 USD/xe, nếu tôi đưa giấy tờ đi làm thủ tục mua và nhập xe về” - ông S. kể lại.
Thẻ xanh, hộ chiếu và các giấy tờ liên quan của ông S. được dùng để nhập lậu xe ô tô? |
Thấy món “hời”, ông S. đồng ý giao thẻ xanh và hộ chiếu của hai vợ chồng cho Mỹ. Đến cuối tháng 2-2012, Mỹ ứng trước một nửa số tiền cho hai thẻ xanh là 3.000 USD. Sau khi đưa được xe về, ông phải đi làm các giấy tờ chuyển quyền sử dụng xe từ tên ông sang tên người khác và Mỹ đưa thêm 3.000 USD.
Tương tự, ông T. - một Việt kiều Mỹ đã hồi hương về định cư tại quận Thanh Khê từ năm 2004 cho biết: Cuối năm 2012, có một người tên Dung mượn thẻ xanh (có thời hạn đến tháng 10-2013) và một số giấy tờ liên quan để đi làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô và hứa trả công hơn 3.000 USD. Ông đồng ý và đưa cho Dung một thẻ xanh, một hộ khẩu gia đình (đăng ký tại Việt Nam) và bốn tấm ảnh.
Đầu tháng 2-2013, ông T. bất ngờ nhận được một quyển hộ chiếu mang tên ông, được cấp ngày 9-1-2013, có giá trị đến 9-1-2023 (trong khoảng thời gian này ông T. vẫn đang ở Đà Nẵng). Ông T. sinh nghi nên gọi điện thoại cho Dung hỏi thì không liên lạc được. “Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết đang có tình trạng sử dụng thẻ xanh, giấy tờ của Việt kiều hồi hương để nhập lậu xe ô tô về Việt Nam nên tôi lo sợ Dung dùng giấy tờ của tôi để làm chuyện sai phạm. Hiện tôi vẫn chưa nhận tiền phí từ Dung” - ông T. lo lắng.
Giám sát chặt diện xe Việt kiều hồi hương
Theo quy định, Việt kiều hồi hương mang một chiếc xe về nước sẽ được giảm thuế nhập khẩu đến gần 80%. Xe khi mang về phải là xe đã mua và đăng ký lưu thông ở nước sở tại. Tuy nhiên, Việt kiều đó phải chấm dứt việc định cư ở nước ngoài và làm thủ tục nhập hộ khẩu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng, cho hay thời gian gần đây, có nhiều trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi về nhập khẩu ô tô theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương để trục lợi. Hiện cơ quan hải quan đang phối hợp với công an để tiến hành điều tra làm rõ.
Vừa qua, nhiều “siêu xe” trị giá hàng tỉ đồng nhập khẩu theo diện xe của Việt kiều hồi hương bị “bỏ rơi” tại cảng Đà Nẵng. Đại lý giao nhận từ chối nhận lô hàng với lý do “gửi nhầm”. Ngoài ra, hơn 17 chiếc xe ô tô nhập khẩu khác cũng bị “tuýt còi” để điều tra.
Trước đó, nghi ngờ nhiều người lợi dụng chính sách này để đưa xe về trốn thuế, thậm chí làm giả cả hồ sơ, chứng từ liên quan nên từ cuối năm 2012, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan đang triển khai điều tra, giám sát chặt chẽ đối với diện xe này. Mới đây, Bộ Tài chính đã ra “Dự thảo thông tư quy định việc nhập khẩu xe ô tô, mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam” (thay thế cho Thông tư 118/2009TT-BTC). Trong đó siết chặt các khâu về nhập khẩu xe như: Việt kiều hồi hương phải tự mình làm thủ tục nhập xe hồi hương, không được ủy quyền cho người khác thực hiện.
Người cho thuê thẻ xanh bị xử lý ra sao?
Việc Việt kiều hồi hương mang một chiếc xe ô tô, mô tô về nước là thuộc suất hợp pháp của họ, xe này lại do họ đứng tên nên rất khó để xác định có dấu hiệu vi phạm. Trong trường hợp nếu xác định có giao dịch nhờ vả trong việc đưa xe về nước thì có hai trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất: Nếu việc đưa xe về giùm là nhằm mục đích giúp đỡ thông thường, không có thỏa thuận trái pháp luật thì không thể truy cứu trách nhiệm. Bởi nó thuộc quyền lợi hợp pháp của họ.
Trường hợp thứ hai: Nếu ngay từ đầu Việt kiều đã biết rõ chiếc xe này thuộc đường dây buôn lậu và hai bên có thỏa thuận bất hợp pháp với nhau (thỏa thuận ăn chia, thỏa thuận trả thù lao…) thì rõ ràng đã có dấu hiệu đồng phạm trong tội buôn lậu. Việc chứng minh ý chí chủ quan, động cơ, mục đích cũng như các thỏa thuận giữa hai bên thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Theo PLTP HCM