Trong khi nhà nước chỉ mới chú trọng phòng chống rửa tiền ở lĩnh vực ngân hàng thì sở hữu chéo lại là mảnh đất màu mỡ để hoạt động này núp bóng.

Theo Cục Phòng chống rửa tiền (AMLD) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam chưa có đánh giá chính thức của cơ quan có thẩm quyền về tội phạm rửa tiền. Còn theo đánh giá của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), Việt Nam mới tuân thủ được 16 trong tổng số 49 khuyến nghị mà tổ chức này đưa ra.

165 báo cáo đáng ngờ

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng AMLD, cho biết năm 2009, Quốc hội thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2010), trong đó quy định tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, đến tháng 6-2012, Quốc hội mới thông qua Luật Phòng chống rửa tiền. Tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ lập kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng chống rửa tiền.

Số liệu của AMLD cho thấy đến nay, NHNN đã “khoanh vùng” được 165 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền, chuyển cơ quan thanh tra và công an xác minh. Tổng số tiền giao dịch nghi ngờ rửa tiền trong năm 2012 là gần 51.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp nhận 50 văn bản từ các cơ quan thực thi pháp luật đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các bị can hoặc đối tượng trong các vụ án hình sự.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết các giao dịch nghi ngờ rửa tiền nói trên chủ yếu là các báo cáo thu thập từ ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, con số này không phản ánh ngân hàng là mảnh đất thuận lợi cho tội phạm rửa tiền. Vì trong các lĩnh vực có khả năng lớn xảy ra rửa tiền như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, kinh doanh vàng, casino…, mới chỉ có hệ thống ngân hàng chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống rửa tiền cho đội ngũ nhân viên, từ đó kịp thời cập nhật các báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi cơ quan chức năng.

Thực tế, số lượng báo cáo nghi ngờ rửa tiền tăng cao sau mỗi đợt NHNN tổ chức tập huấn, chứng tỏ Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm đấu tranh đối với loại tội phạm mới này.

Khó truy nguồn gốc dòng tiền

Ông Ngọc cũng cho biết một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng chống rửa tiền của Việt Nam hiện nay là khó xác định tính minh bạch và chủ sở hữu hưởng lợi của các nguồn đầu tư. Để chống rửa tiền, phải truy tìm mối quan hệ sở hữu chéo nhưng đây chính là vấn đề đang vướng.

Ma trận sở hữu chéo đã trở thành hiện tượng điển hình của nền kinh tế Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức đều được góp vốn tham gia cổ đông sáng lập ngân hàng. Ngân hàng A có công ty B tham gia 10% vốn, công ty B lại có ông C là chủ tịch HĐQT nhưng ông C lại cử ông D đứng ra đại diện vốn. Vì vậy, trong cổ đông sáng lập ngân hàng A không có tên ông C, trong khi nhân vật này mới thực sự là người điều hành (tương tự trường hợp vai trò của bầu Kiên tại ACB).

Các hiện tượng thuê giám đốc để thành lập doanh nghiệp, ủy quyền cho tài xế, nhân viên đứng tên cổ phần… cũng gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc dòng tiền. Ông Ngọc cho biết tại cuộc họp đánh giá công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền gần đây nhất, AMLD đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa Luật Doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thuê giám đốc mở doanh nghiệp ma để lợi dụng rửa tiền.

Tiếp tục mở rộng công tác phòng chống rửa tiền, NHNN đang dự thảo quy định mua vàng bằng tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải xuất trình CMND.

Tiềm ẩn trong những giao dịch bất thường

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, “xương sống” giúp phòng chống tội phạm rửa tiền có hiệu quả chính là việc các định chế tài chính phải hiểu rõ khách hàng để kịp thời báo cáo giao dịch bất thường. Ví dụ, trước đây có nhóm tội phạm quốc tế thuê một số người Việt Nam mở 12 thẻ debit của các ngân hàng trong nước. Các chủ thẻ nhận ít tiền thù lao rồi giao lại thẻ cho người đặt hàng. Sau đó, nhóm tội phạm này sang Campuchia (quốc gia không quản lý ngoại hối) để rút tiền mặt. Hằng ngày, tiền được chuyển vào cả 12 tài khoản ở Việt Nam và rút sạch từ Campuchia. Ông Ngọc cho rằng các ngân hàng phải nhận thức được đây là giao dịch bất thường, báo cáo AMLD để phối hợp với cơ quan công an đấu tranh xử lý.

(Theo NLĐ)