Để tiết kiệm 50% giá vé máy bay cho những chặng xuôi chiều từ TP.HCM về Hà Nội, nhiều khách hàng đã chọn cách bay sang một nước thứ hai trước khi quay trở lại Việt Nam.

Cuối tháng 9, hai hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam đã tung ra chương trình bán vé máy bay Tết. Theo đó, nếu tính cả thuế và phí cho một chặng bay vào đúng thời gian cao điểm có thể lên tới 3-5 triệu đồng, mức giá cao và ít thay đổi qua nhiều năm.

Để tiết kiệm chi phí, cư dân mạng đã truyền nhau nhiều cách để có thể về quê ăn tết mà không "viêm màng túi". Bay sang một nước thứ ba, làm khách VIP cả năm để được ưu tiên mua vé sớm hoặc về quê trước cả tháng là cách mà nhiều người lựa chọn.

{keywords} 

Theo đó, trong thời điểm bay từ 28/1 đến 30/1/2014 (tương ứng 27 đến 29 tháng chạp), khách hàng bay từ TP.HCM sang Bangkok, sau đó vòng ngược lại từ Bangkok về Hà Nội với chi phí cả 2 chặng chỉ khoảng 1,8 triệu đồng. Mặc dù chặng bay có thể phải kéo dài từ 2-4 ngày, có thể phải qua đêm tại sân bay nước ngoài nhưng phần chênh lệch lên tới tiền triệu khiến nhiều người vẫn chấp nhận bay vòng thay vì bay thẳng.

Nhiều khách hàng phải chọn bay qua một, thậm chí là ba nước trung gian với hành trình kéo dài tới 4 ngày để tiết kiệm chi phí máy bay.

"Chấp nhận đi sang một nước thứ hai, tranh thủ du lịch trong những ngày chờ chặng quay về Việt Nam vẫn tiết kiệm hơn đi thẳng từ TP.HCM về Hà Nội. Không chỉ là chuyện giá cả đắt đỏ, vé Tết thường có số lượng hạn chế, trong khi nhu cầu rất cao, tập trung, mua trên mạng rất khó, còn mua đại lý thì phải chịu chênh lệch cao", chị Kim Ngân, nhân viên một công ty viễn thông đã làm việc tại TP.HCM 7 năm chia sẻ.

Làm việc trong một doanh nghiệp truyền thông có trụ sở tại cả hai thành phố lớn Việt Nam, chị Hà quyết định đặt mua vé từ TP.HCM ra Hà Nội trước cả tháng để tiết kiệm chi phí đi lại. "Vé máy bay một chiều từ TP.HCM về Hà Nội vào cuối tháng 12/2013 chỉ là 1,1 triệu đồng/lượt, bằng một nửa so với thời điểm giáp Tết. Mua vé xong, bay ra Hà Nội, tôi vẫn tiếp tục làm việc tại trụ sở chính ngoài đó. Như vậy, mỗi năm chịu khó làm việc tại Hà Nội 2 tháng trước và sau Tết, tiền tiết kiệm vé máy bay đi lại cũng khoảng 3-4 triệu đồng".

Tuy nhiên, không được may mắn như chị Hà hay Kim Ngân, nhiều khách hàng thậm chí còn phải chấp nhận mua vé VIP để có thể về nhà đúng dịp đoàn viên. Thông thường, vé máy bay khoang VIP đắt gấp từ 1,5 đến 2 lần so với khoang thường, chi phí vé một chiều vào dịp Tết lên tới từ 4-6 triệu đồng, nên ít người mua hơn và thường còn dư đến những ngày cuối năm.

Theo các khách hàng này, dù không muốn làm "doanh nhân" của các hãng hàng không thì vẫn phải cắn răng mua vé VIP vì vé thường trên mạng hầu như ra đợt nào hết đợt đó, trong khi mua ở đại lý có khi phải chấp nhận phần chênh lệch vài trăm ngàn đồng một chiếc. "Mỗi năm công ty thưởng Tết khoảng 15 triệu đồng thì chi hết vào việc mua vé máy bay, chẳng còn tiền mua quà Tết nữa. Có năm đành ở lại TP.HCM, chờ sau tết bay về quê, chi phí thậm chí chỉ bằng 1/6", thành viên của một diễn đàn cha mẹ có tiếng chia sẻ.

Thực tế, việc vé máy bay Tết giá cao dẫn đến việc "ế" diện rộng đã diễn ra vào đầu năm nay khi nhiều đại lý đến "giờ G" vẫn còn dư vài ngàn chiếc vé chưa bán hết. Tình hình kinh tế khó khăn, giá vé máy bay tăng tới 30% vào mùa Tết năm 2013 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khách hàng chuyển sang các phương tiện khác rẻ hơn, như tàu lửa hoặc xe khách, dù thời gian di chuyển kéo dài. Trong khi đó, các hãng bay vẫn phải neo giá ở mức cao để bù đắp chi phí, trong khi giảm giá mạnh ở chặng lệch đầu để hút khách.

Theo Tri Thức