Nguyễn Vi Thúy, cô gái sinh năm 1985 hiện là bà chủ của dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp tại Đức. Ngoài ra cô còn có một của hàng về xăm nghệ thuật tại Sài Gòn.
- Là một nữ thợ xăm tiên phong trong làng xăm nghệ thuật tại Việt Nam. Chị đã bắt đầu công việc của mình như thế nào?
Vi Thúy sang Đức năm 1999 để học nghề phun thêu thẩm mỹ của trường Long Time Liner tại Munich, rồi mở tiệm thẩm mỹ luôn bên đó. Nhiều khách hàng có hỏi về xăm nên mình đã học, ban đầu chỉ là kiếm sống nhưng rồi cũng đã đam mê.
- Cuộc sống của chị hiện tại bên Đức?
Mình đã ở Đức được 15 năm và hiện thấy phù hợp với cuộc sống ở đây. Cửa hàng của mình hiện có 6 nhân viên để tiếp khách và làm phụ trong công việc xăm. Còn lại hầu hết do tự tay mình xăm cho khách, để kiếm được một thợ xăm hình ưng ý rất khó.
Vi Thúy và hình xăm 'khủng'. |
- Chị nhận thấy điểm khác biệt của khách hàng Đức và Việt Nam?
Tại Đức, khách hàng của Vi ở rất nhiều độ tuổi khác nhau, có những người khi xăm hình lần đầu tiên đã trên 50 tuổi. Nhiều người còn luyến tiếc tại sao mình lại xăm muộn như vậy. Ở Việt Nam, phần lớn là những khách hàng trẻ tuổi.
- Khách của chị thường có xu hướng xăm như thế nào?
Đối với mỗi người, hình xăm luôn là những câu chuyện khác nhau, đầy ý nghĩa. Những người mới vào nghề thường xăm những hình nhỏ như chữ đơn giản, ngày tháng của những ký ức đáng nhớ. Còn đối với những người đã có kinh nghiệm hơn một chút thường xăm những mảng lớn với nhiều trường phái khác nhau. Đó có thể là các hình như rồng, phượng, hoa anh đào được kết nối lại.
- Đến bây giờ, chị đã có bao nhiêu hình xăm trên cơ thể?
Mình cũng không nhớ nổi là có bao nhiêu hình xăm.Mọi người thích trang sức là lắc tay, dây chuyền, bông tai. Còn mình chỉ thích trang sức trên da bằng hình xăm, mà đã là đồ trang sức giữ trọn đời với mình nên cũng phải suy nghĩ rất kỹ.
Không chỉ là thợ xăm, Vi Thúy cũng là một người mẫu xăm có tiếng. |
- Chi phí trong việc xăm hình của chị như thế nào?
Hình xăm không hề rẻ, chi phí mất khoảng 100 triệu/hình. Chưa kể tiền vé máy bay mà mình phải đi lại để về Việt Nam. Thông thường, anh em trong nghề thường xăm cho nhau nhưng mình là người khá kĩ tính, lại đã từng bị xăm hỏng nhiều nên cố chọn người ở xa và xăm hình đẹp.
- Việc mở tiệm xăm tại Đức mang lại cho chị thu nhập như thế nào?
Thu nhập của mình mỗi tháng thật ra cũng khá, được 300-400 triệu/tháng. Tháng nào mình đi chơi nhiều thì mức thu nhập có bị thụt giảm, chăm chỉ làm thì sẽ cao hơn. So với đời sống ở Đức thì số tiền này khá ổn định.
Tuy làm được nhiều nhưng mình không phải là người biết tích lũy. Mỗi lần nghỉ phép về Việt Nam xăm hình, khi trở lại Đức mình đều phải làm việc để trả các loại tiền bảo hiểm, tiền thuế, tiền nhà... sau thời gian cửa hàng đóng cửa.
Cô quan niệm, xăm hình không có nghĩa là không nữ tính. |
- Theo đuổi nghề xăm chị thấy mình được nhiều hay mất?
Mình không nghĩ nhiều đến chuyện được và mất. Chỉ có những niềm vui trong công việc xăm khiến bản thân yêu nghề hơn. Làm việc tại Đức khiến mình có nhiều cơ hội phát triển hơn.
- Trong chuyện tình cảm, đã người đàn ông nào phàn nàn về những hình xăm trên người của chị không?
Họ đều là những người đàn ông không có hình xăm và rất thích những hình xăm hiện hữu trên cơ thể mình. Mình cho rằng, bất kỳ người đàn ông nào lấy vợ không dựa trên nguyên tắc hiểu và thông cảm cho nhau mà chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài thì đó là những người đàn ông thiển cận.
- Bước sang tuổi 28, chị đã tìm được “một nửa” của mình?
Sau biến cố tình cảm lớn, mình không coi trọng cuộc sống phải có đôi, có lứa. Miễn sao cuộc sống hàng ngày sống vui vẻ, không nặng nề. Và hiện tại, mình hài lòng với cuộc sống. Trong chuyện tình cảm, Vi Thúy cũng không hề kén chọn hay đặt cho mình mẫu đàn ông lý tưởng gì, cảm thấy hợp nhau, biết chia sẻ và thông cảm cho nhau là vui rồi.
(Theo Tri thức)