Trong suốt mấy phiên sốt nóng trên sàn chứng khoán đã có tranh mua giá trần ở nhiều mã cổ phiếu có thị giá thấp. Dường như, nhà đầu tư đang đánh cược với cơ hội nhiều năm mới có một lần với cổ phiếu hạng ruồi có giá ‘trà đá, rau thơm’.

Tăng giá cả tháng

Phiên giao dịch 22/11, hàng loạt cổ phiếu nhỏ lại tăng trần bất chấp áp lực bán chốt lời rất lớn. Cổ phiếu KMR của Công ty TNHH Mirae Fiber Việt Nam tiếp tục tăng trần lên 8.800 đồng với dư mua lên tới hơn nửa triệu đơn vị. Tổng cộng có hơn 1,7 triệu cổ phiếu KMR đã được khớp lệnh thành công trong buổi sáng.

Điều đáng ngạc nhiên ở cổ phiếu đang nằm trong diện cảnh báo (do lợi nhuận sau thuế 2012 âm) này là dù áp lực bán chốt lời ban đầu rất lớn, lượng đặt bán áp đảo lượng nhưng rút cuộc vẫn được hấp thụ hết bởi dòng tiền nóng rẫy đang vào thị trường.

{keywords}
Nhà đầu tư ồ ạt đổ ngàn tỷ vào chứng khoán trong mấy phiên vừa qua.

Tăng 3,5 lần trong vòng 2 tháng (từ 2.400 đòng lên 8.300 đồng/cp), rất nhiều NĐT dường như đang đặt kỳ vọng vào cổ phiếu từng bị bán tháo dữ dồi hồi cuối tháng 8/2013.

VNH của Thủy hải sản Việt Nhật tiếp tục tăng trần phiên thứ 25 liên tiếp lên 6.200 đồng/cp. Với hơn một tháng qua, cổ phiếu đang nằm trong diện cảnh báo VNH đã tăng gấp gần 3,3 lần.

Rất nhiều cổ phiếu nóng trong thời gian gần đây tiếp tục được gom mạnh ở giá trần sau khi bị bán mạnh vào đầu giờ sáng như: ICF, NLG, MCG, VPH, NKG, CLG, CCL, SHI, VST. Tất cả các cổ phiếu này đều trồi sụt, trước khi tăng trần trở lại.

Trong số các cổ phiếu nói trên, MCG có lúc xuống mức giá tham chiếu; VST thậm chí có lúc còn giảm 100 đồng xuống 3.100 đồng/cp. VPH mở cửa cũng giảm 100 đồng xuống 6.900 đồng/cp trước khi tăng trần trở lại.

Không chỉ cổ phiếu nóng, sự sôi động của TTCK trong vài tuần gần đây (gắn với đó là các phiên giao dịch nghìn tỷ xuất hiện trở lại) đã khiến nhiều cổ phiếu có thị giá thấp, vốn được nhiều NĐT gọi với cái tên “trà đá, rau thơm” cũng đang tăng mạnh trở lại.

Đắt hàng ‘trà đá, rau thơm’

Trong phiên rất khó quyết định mua hay bán ngày 22/11, cổ phiếu từng là đề tài đàm tiếu của giới đầu tư TNT của CTCP Tài Nguyên cũng nhấp nhổm nhiều lúc tăng trần lên mức 2.900 đồng/cp.

Cổ phiếu từng ghi nhận doanh thu bằng 0 đồng trong quý I/2013 TNT vừa thông báo lỗ ròng 403 triệu trong quý III/2013 và doanh thu chỉ 1 tỷ đồng, cho dù đã rất nỗ lực trong việc thu hồi các khoản nợ của khách hàng và các khoản phải thu khác.

Kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng của TNT u ám cho dù 2013 được DN xác định là “năm bản lề” của mục tiêu 5 năm (2011-2015). Tuy nhiên, điều này dường như không có ảnh hưởng nhiều tới các giao dịch trên sàn vào thời điểm này. Nếu phiên 22/11 TNT giữ được mức giá tăng trần, thì đây là phiên thứ 6 liên tiếp TNT tăng hết biên độ cho phép.

{keywords}
Cổ phiếu giá rẻ được mua gom nhiệt tình

Cổ phiếu DCT của Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai cũng đang hút dòng tiền nóng. Cổ phiếu này hôm 22/11 tăng trần phiên thứ 7 liên tiếp lên 2.700 đồng/cp với dư mua hàng trăm ngàn đơn vị. Sự hấp dẫn của DN lỗ hơn 24 tỷ đồng trong quỹ III/2013 (lũy kế lỗ suỵt 100 tỷ đồng, so với vốn 270 tỷ đồng) này có lẽ ở chỗ giá cổ phiếu đã có lúc trên 30.000/cổ phiếu; giá trị sổ sách vẫn trên 9.000 đồng/cp và nếu giảm được khoản chi phí tài chính cho khối nợ hơn 800 tỷ đồng thì DN chắc chắn sẽ lãi lớn bởi luôn bán hết hàng.

DRH của CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH) chỉ được giao dịch 15 phút cuối phiên dưới dạng bị kiểm soát (do lỗ 2 năm liên tiếp) cũng được đặt mua hàng trăm nghìn đơn vị bằng mọi giá, trong khi bán không nhiều. Cổ phiếu này tăng trần vào cuối phiên lên 2.500 đồng/cp và đây là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp. Quý III/2013, DRH bất ngờ thoát lỗ và lãi hơn 870 triệu đồng nhưng chủ yếu nhờ lợi nhuận khác. Hoạt động kinh doanh chính của DRH vẫn lỗ -1,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu PXM tiếp tục tăng trần phiên thứ 8 liên tiếp lên 1.500 đồng/cp với dư mua lớn. Dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu này có thể là do PXM báo lãi 8 tỷ đồng sau 5 quý thua lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng.

Nhiều cổ phiếu có thị giá thấp khác cũng bắt đầu hút dòng tiền cho dù vẫn đang rất khó khăn, lãi ít, thậm chí lỗ trong quý III vừa qua như: SHI tăng trần lên 4.700 đồng với dư mua khá lớn; DTA, HMC tăng trần lên tương ứng 3.500 đồng và 4.200 đồng nhưng dư bán khá lớn; SGT tăng trần lên 2.800 đồng/cp nhưng không có dư mua dư bán, giao dịch 10 đơn vị; VID tăng trần lên 3.100 đồng/cp…

Có thể thấy, dòng tiền vào TTCK trong vài tuần gần đây là khá lớn, hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên được chuyển nhượng. Hiện tượng dòng tiền đầu cơ đổ ồ ạt vào cổ phiếu ruồi, cổ phiếu “rau thơm”, “trà đá” là khá rõ ràng. Thực tế này được giải thích là do sự phục hồi của nhiều DN, sau một thời gian dài thua lỗ không ít đơn vị đã báo lãi trở lại.

Đánh cược là như vậy, nhưng cũng có không ít NĐT vẫn lo về khả năng dính cổ phiếu lớm, cổ phiếu hồi phục không bền vững. Tuy nhiên, nỗi lo này dường như không thắng nổi “lòng tham” trong bối cảnh đa số các cổ phiếu đang có mức giá rất thấp, cơ hội đầu tư làm ăn nói chung lại hiếm hoi. Chỉ cần DN hồi phục, khả năng giá cổ phiếu tăng tính bằng số lần như trong trường hợp KMR, VNH nói trên là rất lớn, trong khi đó khả năng giá cổ phiếu giảm sâu có lẽ cũng không nhiều. Nếu điều này xảy ra, không ít NĐT lại kỳ vọng DN sẽ quyết định “đóng cửa”, “phá sản”, “giải tán”… để chia tiền mang lại lợi lớn cho cổ đông như trường hợp CSG, AVS…

Tuy nhiên, những trường hợp rủi ro lớn như vụ phá sản của Dược Viễn Đông (DVD) hay vụ mất tiền của Hanic (SHN) là bài học đáng nhớ nhưng có lẽ không ảnh hưởng mấy tới hướng đi của dòng tiền nóng.

Huấn Tú