- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bộ này có ý kiến với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - về việc dừng thẩm định giá trị hiện tại của ụ nổi 83M, đưa ụ nổi này ra khỏi danh sách vật chứng của vụ án cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.

Vinalines cũng đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn Vinalines các bước cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M nhằm thu hồi vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M.

Theo Vinalines, thực hiện chỉ đạo của cơ quan cảnh sát điều tra, Vinalines đã giao Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) thuê đơn vị thẩm định giá ụ nổi 83M. Song, từ ngày 12 đến 16-3-2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Tòa án đã công bố kết luận trưng cầu giám định (bao gồm cả việc định giá ụ nổi 83M) với mức thiệt hại của vụ án là hơn 366 tỉ đồng.

Tòa án không yêu cầu thẩm định giá trị hiện tại của ụ nổi 83M và ra phán quyết các bị cáo bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên. Tòa án cấp phúc thẩm (tuyên án ngày 7/5/2014) cũng giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm. Vì vậy, việc thẩm định, xác định giá trị hiện tại của ụ nổi 83M phục vụ công tác điều tra là không còn cần thiết.

{keywords}

Ụ nổi được mua với giá 9 triệu đô, giờ bán sắt vụn còn...49 tỷ


Về việc thanh lý ụ nổi 83M, Vinalines cho biết bản án của tòa phúc thẩm cũng không đề cập đến việc ụ nổi là vật chứng của vụ án cũng như cách xử lý. Thời gian qua Vinalines đã tìm kiếm đối tác có nhu cầu mua ụ nổi này và có Nhà máy Ba Son quan tâm.

Trước đó, ở phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng chiều 25/4, nhiều lần chủ tọa phiên tòa nhắc đến chuyện bán sắt vụn ụ nổi 83M.

Theo hồ sơ, trong khi Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có Quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dương Chí Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Triển khai dự án, trên cơ sở thư chào bán ụ nổi của Cty AP, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đã hợp pháp hóa các thông tin về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế.

Tuy biết được giá chào hàng của Cty Nakhodka, Liên bang Nga là dưới 5.000.000 USD, nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký Quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M của Cty AP với giá 9.000.000 USD.

Cũng trong phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng chiều 25/4, ở nội dung thẩm vấn thêm, dư luận khá bất ngờ, băn khoăn về thông tin đại diện Vinalines đưa ra khi đánh giá giá trị ụ nổi 83M hiện nay. Theo trình bày của ông này, phương án xử lý xấu nhất với ụ nổi này là phá dỡ để bán sắt phế liệu thì mỗi kg sắt phế liệu tàu thuyền hiện được tính giá 70.000đ. Như vậy, ụ nổi 83M với sức nâng 25.000 tấn tính ra có giá… 49 tỷ đồng. Giá này đã là mức thấp nhất có thể, đã đối trừ cả tiền công phá dỡ, chỉ tính nguyên tiền thu về.

Tuy nhiên, vì Vinalines đã phải đầu tư rất nhiều tiền sửa chữa ụ nổi này nên phương án bán sắt phế liệu “chắc sẽ không tính tới” mà TCty tính chờ thêm cho qua thời điểm khó khăn của ngành hàng hải rồi rao bán.

Nếu đúng theo tính toán của đại diện nguyên đơn dân sự, giá trị bán phế liệu của cục sắt cũ nát khổng lồ này còn cao hơn giá trị thực tế Vinalines bỏ ra mua ụ nổi tại Nga (2,3 triệu USD, tương đương 37 tỷ đồng).

Số phận ụ nổi 83M mà Vinalines phải bỏ ra tới 9 triệu USD để mang về từ Nga lẽ ra đã có một cái kết tươi sáng hơn, nếu như không có cái chết bất ngờ của Tổng giám đốc Nhà máy Đóng tàu Ba Son Nguyễn Thế Vinh vào tháng 4/2014.

Ông Vinh chính là người đã nhận ra việc ụ nổi 83M đang neo đậu vạ vật tại cảng Gò Dầu B (Đồng Nai) vẫn có thể hữu dụng tại cơ sở mới của Nhà máy Đóng tàu Ba Son đang trong quá trình xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Lê Triệu Thanh, Phó Tổng giám đốc Vinalines, vào tháng 3/2014, sau 3 lần cử đoàn khảo sát cùng lãnh đạo Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY), Nhà máy Đóng tàu Ba Son đã đề xuất 2 phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi 83M.

Cụ thể, trong phương án 1, Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhận chuyển nhượng theo thực trạng trên cơ sở thẩm định lại giá trị thực tế và sẽ tự di chuyển ụ nổi về cơ sở của Nhà máy để thực hiện sửa chữa, đưa vào hoạt động.

Với phương án 2, Nhà máy và VNLSY cùng khảo sát lập dự toán tổng thể các chi phí sửa chữa để đưa ụ nổi 83M về tình trạng sẵn sàng hoạt động. Phía Ba Son sẽ tự di chuyển, ứng toàn bộ vốn sửa chữa, sau đó hai bên tiến hành bàn giao chính thức ụ nổi 83M trong trạng thái sẵn sàng hoạt động cho Nhà máy Sửa chữa, Đóng mới tàu biển Quân đội.

“Với cả hai phương án trên, Vinalines chắc chắn thu hồi một khoản kinh phí lớn hơn nhiều so với việc “hóa khiếp” ụ nổi bằng cách bán sắt vụn”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)