Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời sẽ quản lý chặt hơn các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) từ khâu gia nhập thị trường, hoạt động cho đến việc rút lui khỏi thị trường.

Hành lang pháp lý mới cho BHĐC

Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vừa được Chính phủ ban hành với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC. Nghị định này được hoàn thiện từ nghị định 110 cũ vốn không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế của ngành BHĐC tại Việt Nam.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Nghị định mới sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN BHĐC chân chính hoạt động, cụ thể hóa các vấn đề đã có cũng như bổ sung những quy định mới như thông báo đến các địa phương trước khi tổ chức hoạt động BHĐC, xin giấy phép cho tất cả hội thảo, hội nghị và hội họp cho đến đào tạo và cấp chứng chỉ cho người tham gia BHĐC theo mẫu của Bộ Công Thương; cấp thẻ thành viên cho người tham gia BHĐC, quy định về mô hình trả thưởng…

Đầu tiên, phải kể đến việc rút thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng kí hoạt động BHĐC xuống còn 5 năm. Theo đó, khi nghị định 42 đi vào thực tiễn, các DN có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, sau khi hết hiệu lực họ có thể xin gia hạn nếu muốn tiếp tục gắn bó với thị trường này, đặc biệt đây cũng là thời điểm để cơ quan quản lý đánh giá hoạt động của DN đó và cân nhắc việc gia hạn giấy phép hoạt động.

Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định 42 là doanh nghiệp BHĐC phải nâng mức ký quỹ lên 5 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu cụ thể vốn pháp định cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh BHĐC là 10 tỷ đồng.

Đánh giá về quy định mới này, ông How Kam Chiong - Tổng giám đốc công ty Amway cho rằng: “Điều này có thể khiến nhiều DN gặp không ít khó khăn nhưng nó là một trong những cách hiệu quả để ràng buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với niềm tin của người tiêu dùng”. Hơn thế nữa, đây là việc làm cần thiết để siết chặt hoạt động BHĐC, giúp ngành này đi vào khuôn khổ để phát triển bền vững.

{keywords}
Ông Bạch Văn Mừng đã chỉ ra những bất cập còn tồn đọng trong quản lý BHĐC

Nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp BHĐC
 
Nghị định 42 về BHĐC ra đời là một trong những bước tiến tích cực của cơ quan quản lý nhằm trong sạch hóa ngành BHĐC, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững cho các DN có tâm với ngành, . Bên cạnh đó, các quy định của nghị định mới còn giúp cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra tất cả các hoạt động của ngành BHĐC, kịp thời có những hỗ trợ tích cực cũng như ngăn chặn đúng lúc các hành vi xấu gây ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành và quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Bạch Văn Mừng - Cục Trưởng Cục Quản Lý Cạnh Tranh, Bộ Công Thương khẳng định: “Các quy định trong Nghị định 42 đều hướng tới mục tiêu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHĐC, DN BHĐC và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh ổn định, bền vững và bình đẳng”.

Điều lo ngại trong thời gian vừa qua chính là sự xuất hiện của mô hình kim tự tháp núp bóng đa cấp gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của, cũng như tạo ra suy nghĩ đánh đồng nó với ngành BHĐC chân chính. Nay, nghi định 42 đã “trám đầy” các kẽ hở của nghị định cũ, triệt đường phát triển của mô hình kim tự tháp khi cụ thể hóa cách phân biệt hai mô hình dễ gây nhầm lẫn này cũng như nghiêm cấm sự hình thành và hoạt động của mô hình kim tự tháp bằng những chế tài hết sức cứng rắn.

Hành lang pháp lý đã có, sự hỗ trợ từ chính phủ và tán đồng từ cộng đồng đã có, điều các DN BHĐC cần làm là nghiêm túc thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này nếu như họ thật sự muốn gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam.

{keywords}
Nghị định 42 sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN BHĐC chân chính tiếp tục phát triển bền vững và giúp sàng lọc những DN bất chính ra khỏi lĩnh vực này

Theo số liệu thống liệu thống kê từ Cục Quản Lý Cạnh Tranh- Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2013, có hơn 1 triệu người tham gia BHĐC, 102 DN đăng ký hoạt động, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những con số biết nói trong tăng trưởng kinh tế, ngành BHĐC cũng được xem là một trong những ngành đóng góp tích cực cho các chương trình định hướng về cộng đồng: tiêu biểu có thể kể đến Amway, chiếm 30% thị phần kinh doanh của ngành và luôn là DN đi đầu trong các chương trình hỗ trợ y tế và giáo dục cho trẻ em kém may mắn trên cả nước thông qua hàng loạt chương trình hợp tác với Bộ Y Tế, Bộ LĐTB&XH và tổ chức Operation Smile Việt Nam.

Diễm Hương