“Cách đây khoảng 20 năm, những người buôn bán tượng cổ đa phần đều giàu phất lên. Thế nhưng về sau, những tai ương bất ngờ cứ liên tiếp ập đến với họ. Có người chết đột ngột không rõ nguyên nhân, có người vướng vào vòng lao lý, có người làm ăn đi xuống... Thế nên đến bây giờ, ngoài lý do bị pháp luật nghiêm cấm thì giới chơi đồ cổ vẫn thường rỉ tai nhau nỗi kinh sợ khi có ý định mua bán tượng cổ”.

Giá trị tâm linh của tượng cổ

Nguyên là giảng viên đại học Sư phạm 1, ông Nguyễn Trường được thừa hưởng tinh hoa về văn hóa đồ cổ từ người cha. Với niềm đam mê đặc biệt đó, ngoài việc dày công sưu tầm ông còn dành thời gian nghiên cứu về những thời khắc lịch sử, nét đẹp văn hóa gắn liền với cổ vật.

{keywords}

Tượng Phật Lồi ở Hải Giang do người Chăm tạc có niên đại khoảng thế kỷ 11 - 13.

Vốn là người nghiên cứu và phân tích theo góc độ khoa học, nên mặc dù chơi đồ cổ lâu năm nhưng ông không có khái niệm về ma mị. ông bảo, đồ cổ thì mỗi người một cách chơi và một sự cảm nhận riêng. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu và lý giải những câu chuyện bí ẩn đằng sau thế giới đồ cổ, ông từ chối trả lời vì cho rằng đó là thông tin khó để kiểm chứng thực hư. Dẫn chúng tôi đi thăm những món đồ cổ có niên đại cả nghìn năm trong nhà mình, ông trầm ngâm: “Về tượng cổ thì chuyện tâm linh tôi cho rằng là có thật. Hiểu đơn giản như thế này, lịch sử Việt Nam trải qua thời gian dài chống Mỹ và chống Pháp. Những di tích lịch sử bị phá hoại nhiều, không chỉ riêng đồ cổ mà tượng cổ cũng bị thất lạc. Mà từ xưa đến nay, người ta vẫn thừa nhận rằng vì các pho tượng ở trong chùa chiền luôn hội tụ được khí thiêng của trời đất”.

Trong các dòng chơi tượng, dù thời điểm nào thì tượng cổ vẫn là mặt hàng “trừu tượng” nhất, từ giá cả, cách nhìn, sở thích... Không gì có thể cân đo đong đếm. Thập niên 1990, khi trục vớt một con tàu đắm ở Hòn Cau, Vũng Tàu, người ta tìm thấy khoảng 15.000 món đồ vật được coi là cổ, gồm bình, lọ, bát đĩa và tượng. Theo giới buôn bán, giá trị của khoảng 300 món bình lọ bát đĩa trong số này nếu đem đổi mới chỉ ngang bằng giá trị một bức tượng người hầu đang dâng đèn màu lục. Bởi thế ngoài giá trị hiện thực, tượng cổ cũng mang giá trị lớn lao về tâm linh.

{keywords}

Nhà sưu tập tượng cổ Phạm Việt Phương chia sẻ: “Tượng cổ luôn chứa đựng những cái bí ẩn mà nhiều người rất đam mê”.

...Và lời đồn “báo oán”?

Rất nhiều câu chuyện bí ẩn về những pho tượng cổ, trong số đó phải kể đến pho tượng Phật Lồi thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với giai thoại báo oán kẻ có ý định trộm cắp.

Đây là pho tượng cổ bằng đá nằm trong chùa Linh Sơn mà dân gian quen gọi là tượng Phật Lồi. Pho tượng tạc hình dáng một vị tu sỹ trong tư thế ngồi thiền, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái. Tượng cao 0,82m, ngang 0,46m. Tượng Phật Lồi là tượng thần Shiva do người Chăm tạc, có niên đại khoảng thế kỷ XI - XIII.

Người làng truyền tai nhau câu chuyện từ năm 1945, khi quân Nhật chuẩn bị rút về nước, một viên sỹ quan người Nhật tại Quy Nhơn dẫn một toán lính tới chùa Linh Sơn khiêng pho tượng cổ đi. Lạ kỳ là cả chục thanh niên khỏe mạnh hè nhau hết sức lực vẫn không khiêng được pho tượng, đành phải bỏ về. Chiến tranh loạn lạc, một số người làng tham gia vụ khiêng tượng năm ấy, người chết trận, người đau bệnh, người chết bất đắc kỳ tử.

Bức tượng này còn được người dân gọi là “bất khả xâm phạm” sau hàng loạt vụ trộm bất thành khác. Khoảng năm 1980, một nhóm người từ vùng khác đến đây trộm tượng. Trong đêm, họ xúm vào khiêng tượng đi, nhưng khi vừa đặt tay vào tượng thì những kẻ trộm bị tê cứng tay chân. “Thần hồn nát thần tính”, đám trộm hoảng hốt tháo chạy khỏi chùa. Mười chín năm sau, năm 1999 lại xuất hiện vài người lạ đến phối hợp cùng một số người trong làng săn tìm đồ cổ, đồ đồng đen... Một đêm, họ phá khóa gian thờ chính điện, định khiêng tượng Phật Lồi đem đi bán thì bỗng dưng trời nổi sấm sét, mưa gió ầm ầm.

Cho rằng “có điềm”, họ lẳng lặng bỏ đi. Lần bị trộm cuối cùng là năm 2000, một nhóm thanh niên trong thôn biết không thể di chuyển được Phật nên vác búa đập tượng định bán sắt vụn. Điều kỳ lạ là dù lực đập mạnh đến đâu cũng không hề làm tượng sứt mẻ. Tuy nhiên sau đó, một người trong số này bất ngờ mất trí nhớ, đến nay vẫn chưa phục hồi(?).

ông Trịnh Bá Hòa, Giám đốc bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: “Những lời đồn thổi về người mạo phạm tượng cổ bị chết, bị điên có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc do bệnh tật bởi chưa có kiểm chứng. Còn câu chuyện khi người lạ đến mang tượng đi thì tượng nặng trịch còn người dân sau khi làm lễ kêu cầu và bày tỏ mong muốn được tu sửa thì có thể di chuyển tượng được một cách dễ dàng thì cũng đã có một số nhà nghiên cứu đến xin phối hợp với chính quyền và dân làng để tìm hiểu”.

Có rất nhiều chuyện về những người ăn cắp, ăn trộm tượng cổ của chùa chiền gặp hậu vận xấu. Nhiều người còn cho rằng những kẻ có ý xấu với tượng cổ thì sẽ tạo ra nghiệp chướng về sau. Đó là câu chuyện của gia đình bà Hồng ở Lào Cai liên tiếp gặp phải chuyện tang thương. Khi bà mời nhà ngoại cảm về làm lễ thì hay tin: “Người chồng quá cố của bà trước đây từng ăn trộm tượng Phật của một ngôi chùa sau đó bán cho một ông chơi đồ cổ ở làng kế bên”. Ban đầu, những người thân trong gia đình không tin nhưng khi họ đi tìm gặp lại những người bạn cũ của chồng bà Hồng thì họ mới kể rằng từng nghe câu chuyện này. Lần theo dấu vết của hơn 20 năm trước, bà Hồng tìm gặp được cụ Hùng (88 tuổi), người được cho là đã mua bức tượng kia.

{keywords}

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trường thừa nhận đằng sau những bức tượng cổ luôn ẩn chứa những câu chuyện tâm linh.

Nghe câu chuyện của gia đình bà Hồng, cụ Hùng mới bảo rằng: “Ngày đó, thấy có người muốn bán bức tượng đá đã cũ nên tôi mua lại với mục đích kiếm lời. Sau đó tôi bán lại cho một tay buôn đồ cổ nhưng chẳng hiểu sao sau đó vài ngày thì con tôi bị tai nạn, mấy đứa cháu tự dưng mắc trọng bệnh. Tôi nghe lời khuyên của bạn bè cho rằng đây là bức tượng ăn trộm của chùa chiền nên đành mang tiền đến gặng mua lại với giá cao hơn. Từ đó, đến nay tôi dành một phòng để thờ bức tượng đá này với mong muốn cầu an cho gia đình”.

Hiểu được sự lo âu của bà Hồng và các thành viên trong gia đình, cụ Hùng đồng ý nhượng lại pho tượng cổ này mà không lấy tiền. Sau đó, bà Hồng cùng các con mang bức tượng đến ngôi chùa gần nhà xin làm lễ và dâng trả.

Chúng tôi kể câu chuyện này với những người nghiên cứu tâm linh, có người cho rằng đó là chuyện khó tin, do ảnh hưởng của tâm lý nhưng có người vẫn cho là có thật bởi từ xưa đến nay cha ông đã dặn: “Tội lấy trộm, phá huỷ tượng Phật thì nghiệp nặng lắm”.

Những câu chuyện “báo oán” rùng rợn vì mạo phạm tượng cổ luôn được đồn thổi bởi theo quy luật cuộc đời cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. Song thực tế, những người ấy họ đã từng làm những việc kiêng kị nên chính họ bị day dứt lương tâm, dằn vặt nên lúc nào cũng bị ám ảnh, sợ bị trả giá nên sống bất an và dễ gặp nạn. Dù đúng, dù sai thì đây cũng là những bài học cho những ai đang rắp tâm xâm hại đến những đồ vật thuộc về chùa chiền, linh khí của trời đất.

Tránh “buôn bán thần linh”

Nhà sưu tập tượng cổ Phạm Việt Phương chia sẻ rằng: “Người chơi tượng cổ quan tâm nhiều đến mỹ thuật và văn hóa. Bởi nếu người ta lo ngại nhiều đến vấn đề tâm linh thì không dám chơi. Bản thân tôi đặc biệt yêu thích tượng cổ nhưng cũng chỉ sưu tầm về gìn giữ và bảo quản chứ không nghĩ đến chuyện mua bán. Những pho tượng thường xuất phát từ nơi thờ tự của dòng họ hoặc chùa chiền, chính vì vậy chuyện “mua bán thần linh” hầu như những người đam mê cổ vật đều tránh”.

(Theo ĐSPL)