Mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) tuyên bố hoạt động trở lại đã hơn nửa tháng nhưng đến nay, các cơ quan quản lý vẫn im lặng. Điều này đồng nghĩa với việc tài nguyên vàng của đất nước tiếp tục thất thoát, môi trường tiếp tục chịu ô nhiễm nhưng chúng ta chẳng thu lợi được gì.

Chịu thua?

Trong khi tiền thuế hơn 300 tỉ đồng của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (đều thuộc Tập đoàn Besra, đóng tại Quảng Nam) chưa được Besra nộp thì mới đây, một tờ báo điện tử dẫn lời TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cho rằng “chủ nhà” đã hớ hênh để mất trắng đến 15 tấn vàng làm dấy lên lo ngại trong dư luận tại địa phương. “Vàng Phước Sơn có trữ lượng là 22 tấn chứ không phải 7 tấn như cấp phép đâu. Từ lúc cấp giấy phép là ta đã cho không họ 15 tấn vàng rồi nên giờ có đóng cửa thì cũng chẳng thiệt hại gì vì họ có đầu tư gì đâu. Khai thác vàng ở Phước Sơn giống như khai thác vàng thổ phỉ, không có công nghệ gì là tiên tiến cả” - TS Sơn nói.

{keywords}

Chưa nộp thuế nhưng mỏ vàng Bồng Miêu vẫn khai thác và bán vàng

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lương Đình Đường, Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, phân tích: Công ty Phước Sơn được cấp phép khai thác vàng trong thời hạn 30 năm từ năm 1999, riêng Công ty Bồng Miêu sẽ hết hạn trong năm 2016. Việc cấp phép chỉ giới hạn thời gian chứ không giới hạn sản lượng khai thác (như TS Nguyễn Thành Sơn nói - PV).

Về việc hoạt động trở lại của Công ty Bồng Miêu, ông Đường cho biết đến nay chưa nhận chỉ đạo gì từ cấp trên, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng không dám làm trái chỉ đạo của Bộ Tài chính. Trước đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế bằng cách vô hiệu hóa hóa đơn đối với Công ty Phước Sơn trong thời hạn 1 năm. Riêng Công ty Bồng Miêu, Cục Thuế mới chỉ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng và biện pháp này đã hết hiệu lực từ ngày 7-9. Theo luật, sẽ áp dụng tiếp biện pháp cưỡng chế tiếp theo nhưng trước đó, Bộ Tài chính yêu cầu không thay đổi biện pháp cưỡng chế thuế nên đành chịu!

Không biết họ vận chuyển thứ gì!

Ngày 15/10, ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - cho biết kể từ ngày 30/9, Công ty Bồng Miêu đã trở lại hoạt động. Mỗi ngày có trên 100 công nhân làm việc, trong đó lao động trong xã chỉ hơn 10 người. Công nhân công ty này chủ yếu làm quặng bên trong nhà máy chứ chưa vào khai thác quặng trong hầm lò.

Theo ông Hoàng Hoa, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND huyện Phước Sơn, từ khi Công ty Bồng Miêu hoạt động trở lại, Công ty Phước Sơn nhiều lần vận chuyển máy móc, thiết bị khỏi nhà máy. Ngày 16/9, UBND huyện phát hiện công ty này lén lút vận chuyển máy móc nên đã cử người ngăn chặn. Sau đó, công ty có văn bản cho rằng chỉ vận chuyển máy móc cho mượn chứ không chuyển ra khỏi địa phận tỉnh Quảng Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu công ty vận chuyển phải báo cáo. Sau thời gian đó, công ty nhiều lần trình báo vận chuyển máy móc ra khỏi nhà máy nhưng huyện không có chức năng kiểm tra nên không thể biết được công ty vận chuyển cái gì. “Cả 2 công ty đều thuộc Tập đoàn Besra, 1 trong 2 công ty được hoạt động và buôn bán vàng rất dễ nảy sinh tiêu cực. Nếu Công ty Phước Sơn vận chuyển vàng sang cho Bồng Miêu bán thì mình cũng không biết” - ông Hoa lo ngại.

Xù nợ thì sẽ mất mỏ vàng

Cuối tháng 9, TAND huyện Phước Sơn tuyên buộc Công ty Phước Sơn trả nợ cho Ngân hàng TMCP Việt Á 4,45 triệu USD và 183.649 USD lãi quá hạn, đồng thời nộp án phí 206,187 triệu đồng. Nếu Công ty Phước Sơn tiếp tục không trả nợ đúng hạn thì sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tài sản, trong đó Ngân hàng Việt Á được quyền khai thác mỏ, các công trình trên đất và các phương tiện vận tải... Trước đó, tháng 7-2014, TAND huyện Phú Ninh cũng buộc Công ty Bồng Miêu có trả cho Công ty TNHH MTV Xăng dầu Trường Xuân hơn 1,2 tỉ đồng. Được biết, hiện có nhiều doanh nghiệp khác gửi đơn đến các tòa án khởi kiện 2 công ty vàng vì chây ì trả nợ.

(Theo NLĐ)