Theo người nuôi loại gà này ở miền Tây, gà khoảng 6-7 tháng, nặng 4,5-5kg có thể bán thịt, với giá đến 1 triệu đồng/kg đối với gà trống và 300.000 đồng/kg với gà mái.

Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, là người đầu tiên ở miền Tây thực hiện mô hình nuôi gà Đông Tảo với số lượng lớn.

Quê ở Hưng Yên, đến miền Tây lập nghiệp từ năm 2000, trước lúc thành công với mô hình nuôi gà Đông Tảo tại Nam Bộ, anh Toản có một thời gian dài chật vật mưu sinh với công việc lái xe chở hàng, nhưng thu nhập từ việc này quá bấp bênh. Mê gà Đông Tảo từ nhỏ, anh quyết định chọn nuôi loại đặc sản có tiếng của quê mình trên vùng đất mới.

Trong quá trình nuôi thử nghiệm, anh thấy loại gà này thích ứng rất tốt với khí hậu tại vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, trọng lượng tối đa gà này đạt được khi nuôi ở miền Nam cao hơn so với miền Bắc. Chính vì vậy mà từ khởi đầu nuôi với số lượng ít, anh mạnh dạn phát triển đàn số lượng nhiều hơn.

{keywords}

Anh Toản là người đầu tiên mang gà Đông Tảo về nuôi ở miền Tây.

Đến năm 2012, anh đã thành lập trang trại với gần 1.000 m2 để mở rộng chăn nuôi. Trại gà Đông Tảo của anh cung cấp cả con giống, gà thương phẩm, gà kiểng. Gà giống anh xuất bán đi nhiều tỉnh thành như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long, và TP.HCM. Gà thịt được bán cho một số nhà hàng ở Cần Thơ và TP.HCM theo đơn đặt hàng, từ 15-30 con/tháng.

Theo anh Toản, thực tế trước đây ĐBSCL cũng đã có người nuôi gà Đông Tảo, nhưng đầu ra gặp khó khăn. Nguyên nhân là nhiều người thấy cặp chân của giống gà này to, thô, xấu xí, đáng sợ và là giống gà lạ nên không dám mua, chỉ có số ít người giàu biết, mua làm quà biếu, nên mô hình thất bại. Anh Toản may mắn phát triển đàn gà này khi người dân trong khu vực đã biết và chuộng loại đặc sản nổi tiếng này.

Ông chủ trại gà Đông Tảo ở miền Tây cho biết, quy trình nuôi gà Đông Tảo tương đối dễ. Nhưng phải chú ý gà con mới nở phải tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ, thức ăn đối với con giống dưới 2 tháng tuổi phải dùng dạng viên, các loại bắp và lúa là thức ăn chủ lực của gà trưởng thành.

Phải hạn chế thức ăn công nghiệp, vì gà thịt đòi hỏi chất dinh dưỡng cao để thịt no chắc, da dày, thịt thơm ngon. Giống gà này thường đẻ trứng ít hơn gà ta. Nếu chăm sóc tốt, một năm gà có thể đẻ 3 lứa, mỗi lứa khoảng 9 trứng, với tỉ lệ ấp thành công khoảng 90%.

{keywords}

Gà Đông Tảo quý nhất là cập chân xù xì

Anh cho biết thêm, do bộ chân to vụng về, trọng lượng nặng khiến gà Đông Tảo ấp trứng làm hao hụt rất lớn. Chính vì vậy anh thường sử dụng máy ấp hoặc "mượn" gà ta để ấp trứng.

Gà con được nuôi khoảng 6-7 tháng, nặng 4,5-5kg có thể bán thịt, giá 350.000 đến 1 triệu đồng/kg đối với gà trống và 300.000 đồng/kg đối với gà mái, con giống 1 ngày tuổi có giá 150.000 -220.000 đồng/con.

Đối với những cặp gà trống mái đẹp, được xem là hàng “khủng”, anh thường không bán theo kg mà bán theo cặp, với giá mỗi cặp trên 8 triệu đồng. Hiện mỗi tháng trừ tất cả chi phí, anh có lời từ 35-40 triệu đồng.

Anh Toản cũng chia sẻ cách nhận biết gà Đông Tảo xịn. Đó là đôi chân gần sùi vững chãi, rất to, xù xì, bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng; da gà đỏ hồng, to con, dáng bệ vệ, nặng đến gần 6kg với gà trống, gà mái từ 3,5-5kg.

Giống gà này hiện có 2 loại, thuần chủng và gà lai, nhưng gà lai có cân nặng chỉ bằng một nửa loại thuần. Dựa vào cách xếp vảy, hình dáng của chân để phân biệt đâu là gà thuần chủng. Còn gà có chân nhỏ, toàn vảy sừng là hàng lai, chênh lệch giá bán so với gà xịn khoảng 1 triệu đồng/con.

(Theo Zing)