Sau vài ngày thực hiện quy định mới, theo đó du khách quốc tế đến bằng tàu biển phải xin thị thực nhập cảnh mỗi khi xuống tàu tham quan, một vài hãng tàu cho biết có thể họ sẽ không ghé các cảng ở Việt Nam nữa.
Một số doanh nghiệp đang đón khách du lịch đến bằng tàu biển đã cho biết thông tin trên.
Những công ty này cho biết, đối tác nói có thể chuyển sang Singapore hoặc Thái Lan vì khách được miễn thị thực, đỡ gây phiền hà và ít tốn kém cho du khách lẫn hãng tàu.
Quy định mới có trong Luật Nhập cảnh Xuất cảnh, Quá cảnh và Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Theo đó, khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh chứ không phải là xin giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam như trước. Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 đô la Mỹ lên 45 đô la mỗi người.
Du khách từ tàu du lịch quốc tế ghé cảng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Từ ngày 31-12-2014 trở về trước, theo quy định cũ, việc xin giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam (hay thường được các công ty du lịch gọi là thị thực tập thể (group visa)) thì thủ tục khá đơn giản. Khi tàu đưa khách đến cảng, công ty du lịch chỉ cần lấy hộ chiếu, ghi tên khách cùng số hộ chiếu với một người đại diện từng nhóm và chương trình tour của công ty để cơ quan xuất nhập cảnh xét duyệt.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, cho biết lệ phí tăng là một rào cản nhưng việc mất thời gian mới là vấn đề lớn khiến du khách và chủ tàu phản ứng, đặc biệt là với những chuyến tàu chỉ ghé Việt Nam trong ngày. Tàu cập bến vào buổi sáng, đến chiều hoặc tối đã rời bến nhưng lại phải mất đến vài giờ làm thủ tục nhập cảnh thì hành khách không đủ thời gian để đi tour. Trong khi đó, nếu thực hiện như trước, cơ quan chức năng chỉ cần vài chục phút là đã hoàn tất thủ tục cho cả đoàn hàng trăm khách lên bờ.
"Vì những bất tiện này mà một số hãng tàu cho biết tuy chưa kết sổ cho những chuyến tàu sắp đến Việt Nam nhưng lượng khách mua tour tham quan khi cập cảng đã giảm hơn so với trước. Khách chọn ở trên tàu nhiều hơn", ông nói.
Theo ông, những hãng tàu đã quảng bá chương trình đến Việt Nam trong thời gian tới cũng đã đề nghị công ty nhờ những cơ quan chức năng can thiệp để thay đổi quyết định mới. Trong bối cảnh nhiều nước đang cố gắng thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là du khách hạng sang đến từ tàu du lịch biển, quy định mới là một rào cản cho du lịch phát triển.
Một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp phải "tận dụng" hết những mối quan hệ với cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục nhanh hơn cho khách hay có thể gọi là ''lách luật". Khi tàu cập cảng, du khách được cho phép xuống bờ đi tour trước còn nhân viên của cơ quan chức năng ở lại cảng, dán thị thực lên hộ chiếu cho khách thay vì đợi phải có thị thực mới được lên bờ tức nhập cảnh Việt Nam.
"Chỉ một chuyến tàu mà bảy công an biên phòng phải tốn hơn một buổi để dán xong thị thực cho khách. Nếu thực hiện đúng luật thì khi có thị thực du khách chẳng còn thời gian lên bờ đi tour", một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) nói.
Vào chiều tối nay (8-1), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với cơ quan quản lý du lịch về vấn đề nêu trên. Dự kiến, vào sáng mai, Tổng cục Du lịch cùng một số cơ quan liên ngành và doanh nghiệp đón khách du lịch tàu biển cũng sẽ họp bàn, đề xuất những phương án để tạo thuận lợi cho du khách, trình Chính phủ quyết định.
(Theo TBKTSG Online)