- Cung cấp giống cây trồng cho cả một vùng rộng lớn Tây Bắc, nuôi cánh kiến đỏ, cung cấp các ứng dụng motoway, I-check... là những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, mới lạ của các bạn trẻ. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả của các dự án hứa hẹn thành công trong năm 2015 này.
Giống cây trồng cho Tây Bắc
Qua điều tra và khảo sát, nhận thấy, diện tích đất nông lâm nghiệp tại Tây Bắc chưa sử dụng còn lớn, khoảng 1.627.671 ha. Nếu tính bình quân mỗi ha trồng 1.000 cây, thì thời gian tới Tây Bắc cần khoảng 1,6 tỷ giống cây trồng chất lượng cao. Không những thế, đang có nhiều chính sách hỗ trợ phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Đây là cơ hội lớn mở ra hướng kinh doanh thuận lợi mà không đòi hỏi nhiều vốn.
Từ đó, nhóm sinh viên này đã cùng nhau xây dựng dự án: “Giống cây trồng tiên tiến A-Seedling” hướng tới việc thành lập DN tại Mộc Châu (Sơn La) vào năm 2015 để biến ý tưởng thành hiện thực.
Một nhóm sinh viên thuộc Học viện Nông nghiệp (Hà Nội) đã có ý tưởng táo bạo, thành lập DN cung cấp giống cây trồng cho vùng Tây Bắc rộng lớn, với mục đích không chỉ kiếm tiền mà còn giúp phủ xanh đất trống đồi trọc và mang lại thu nhập cho người nông dân tại đây. |
Với những kiến thức học được từ Học viện Nông nghiệp, các sinh viên cho biết sẽ hợp tác, liên kết với các trường, các viện nghiên cứu, sử dụng những giống cây phù hợp cho vùng núi phía Bắc, đã được trồng thử nghiệm thành công và nằm trong quy hoạch vùng; áp dụng các quy trình sản xuất, công nghệ cao trong nông nghiệp, tư vấn cho người dân để cho ra những sản phẩm tốt nhất.
Tổng vồn đầu tư của dự án là 1,3 tỷ đồng, với số lao động 35 người làm việc trực tiếp và 65 cộng tác viên và 3 ha đất. Theo dự kiến, chỉ với trên 35.000 cây giống đã thu hồi vốn và năm đầu có lãi tới 250 triệu đồng, đóng góp cho ngân sách mỗi năm hàng trăm triệu đồng, giúp nhiều hộ gia đình tại Tây Bắc có việc làm có thu nhập.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm (FECON) cho biết, đây là dự án về nông nghiệp công nghệ cao có thể hiện thực hóa được. DN này có thể xem xét hỗ trợ về mặt quản trị cũng như đầu tư kinh phí để thực hiện.
Nuôi thả cánh kiến đỏ
Nhựa cánh kiến là một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất sơn, vecni, mực in, dược... mà chưa có sản phẩm công nghiệp nào thay thế được. Đặc biệt, đây được đánh giá là loại nguyên liệu từ tự nhiên và an toàn để chế tạo phẩm màu, nhuộm thức ăn, tạo lớp phủ bóng trên kẹo hay tráng bóng trái cây. Nhu cầu về nhựa cánh kiến trên thế giới mỗi năm trên 10 vạn tấn. Sản phẩm này chỉ có ở vùng Đông Nam Á, nên được coi là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Một nhóm bạn trẻ chuẩn bị khởi nghiệp với việc thành lập DN chuyên sản xuất sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ, một sản phẩm đang được ưu tiên phát triển trên các vùng cao nghèo khó, theo mô hình khép kín. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 669 triệu đồng, sử dụng 13 lao động, dự định đặt tại Xuân Mai (Chương Mỹ - Hà Nội). Để nuôi kiến và kiểm soát được chất lượng, cũng như những ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, nhóm cho biết sẽ mua giống từ Học viện Nông nghiệp, làm nhà lưới, nhà kính, che phủ. Toàn bộ quá trình sản xuất có đội ngũ kỹ sư có chuyên môn cao thực hiện và giám sát.
Trước kia, người ta chỉ tập trung vào khai thác cánh kiến đỏ từ tự nhiên, do các cơ sở thu mua từ các hộ gia đình về tinh chế nên sản lượng không ổn định. Chưa có DN nào đứng ra nuôi thả kiến cánh đỏ theo mô hình công nghiệp. |
Sản phẩm của DN sẽ là 100% nhựa cánh kiến nguyên chất, không lẫn các tạp chất. Dự án khi đi vào thực hiện sẽ cung cấp cho thị trường nhựa cánh kiến có chất lượng tốt, cung cấp nguyên liệu sản xuất cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư và làm phát triển kinh tế khu vực Chương Mỹ. DN sẽ hướng tới 3 nhóm khách hàng chính là sản xuất sơn, vecni và thực phẩm.
Theo nhóm bạn trẻ này, giá sản phẩm trên thị trường của các đối thủ cạnh tranh vào năm nay dao động ở mức 150.000 đồng/kg. Mức giá ban đầu của DN sẽ thấp hơn, chỉ 139.000 đồng. Công ty phấn đấu đến năm 2020 cung ứng đủ nhu cầu nhựa cánh kiến trong nước và tăng sản lượng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Việt Nam, cho biết, đây là dự án có tính khả thi cao. Sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng ổn định và giá cả cạnh tranh chắc chắn sẽ mang lại thành công lớn.
Motoway giúp xử lý sự cố dọc đường
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 36 triệu xe máy đang lưu hành. Tuy nhiên, các dịch vụ liên quan đến việc giải quyết các sự cố về xe máy lại ít hoặc chưa đủ phổ biến, khiến người dùng không biết xử lý thế nào khi xe bị thủng lốp, chết máy, hỏng bugi, hết xăng... giữa đường. Từ thực tế đó, nhóm sinh viên trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM có tên gọi Newway đã cho ra đời ứng dụng Motoway.
Thiết kế của Motoway đơn giản, tiện dụng và bắt mắt. Người dùng có thể cài đặt trên smartphone chạy hệ̣ điều hành Android 4.0. Các chức năng mà Motoway cung cấp gồm địa điểm sửa xe, bảo trì xe gần nhất, trạm xăng, các điểm giữ xe, đường dây nóng, quy định xử phạt, kỹ thuật sửa xe cơ bản, cảnh báo nguy hiểm.
Tuổi đời còn rất trẻ, chưa nhiều trải nghiệm, thiếu vốn liếng, nhưng với khát vọng kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển của xã hội, nhiều bạn trẻ đã chuẩn bị khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo, mới lạ. |
Hiện một số khách hàng tại khu vực TP.HCM và Đồng Nai đã sử dụng Motoway, sắp tới sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí cho người dùng, doanh số chủ yếu thu từ các DN.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho hay, dự án đã đáp ứng được nhu cầu của những người chạy xe gắn máy lưu thông trên đường. Với tính khả thi cao, dự án đã có doanh thu ban đầu là khoảng 500.000 đồng/ngày. Đây là một dự án hứa hẹn thành công trong năm 2015 và tương lai.
I-Check phân biệt hàng giả
Từ thực tế trên thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái đang diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với DN và người tiêu dùng. Xuất phát từ đó, các thành viên của nhóm Akatsuki, gồm 5 sinh viên đến từ 3 trường đại học tại Hà Nội, đã tạo ra một công cụ hỗ trợ kiểm tra hàng thật, hàng giả với tên gọi I- Check.
Ứng dụng này dựa trên công nghệ nhận diện mã vạch và nguồn dữ liệu chính thống về sản phẩm được cung cấp bởi các nhà sản xuất. Người dùng chỉ cần quét mã vạch sản phẩm mình đang muốn mua, hệ thống sẽ đưa ra: nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm phân biệt thật, giả, giá và thông tin sản phẩm, từ đó giúp người tiêu dùng phân biệt và tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, với các tính năng tích hợp như tư vấn tiêu dùng, cộng đồng mua sắm, đọc tin tức... ứng dụng sẽ đem đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm hữu ích.
Có thể nói, đây là một giải pháp sáng tạo, toàn diện và hiệu quả, đảm bảo tính cấp thiết, đột phá và khả thi, mang lại những lợi ích thiết thực.
Cũng giống như Motoway, I-Check là ứng dụng này hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Lợi nhuận chủ yếu thu được từ các DN. Nhóm Akatsuki cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển ứng dụng này trong năm 2015, không chỉ hướng đến DN trong nước mà cả các DN nước ngoài để cập nhật thông tin về nhiều sản phẩm và đưa ứng dụng ra thị trường quốc tế.
Trần Thủy