- Hang C7 ám ảnh chúng tôi không phải vì vị trí nằm tận rừng sâu vắng lặng hay bởi bóng tối bao trùm suốt lòng hang có chiều dài hun hút tới 1.066 m đã được công nhận dài, đẹp nhất khu vực Đông Nam Á, mà chính là nền hang âm sâu cách mặt đất chừng 12 mét và hoàn toàn không có lối đi xuống.

Hành trình xuống đáy núi lửa Chư B’luk

Đó là một buổi sáng cuối năm ở cao nguyên Đăk Nông. Mây trời bàng bạc phủ ánh sáng dịu dàng lên khắp dãy núi rừng huyện Krông Nô. Hai chúng tôi từ khu du lịch thác Dray Sap phóng xe men theo tỉnh lộ 684 đến xã buôn Choa. Không lâu sau, chúng tôi phải để xe bên đường vì không thể chạy trên lối mòn vốn là thềm đá nham thạch gập ghềnh.

Từ đây tới chân núi lửa Chư B’luk dài ngót 6 km, chủ yếu đi qua những nương rẫy cằn cỗi suốt hơn tiếng đồng hồ. Còn đường lên đỉnh núi toàn là dốc cao và cây gai cỏ dại lút đầu người. Mặt trời càng lúc càng lên cao, nắng mỗi lúc thêm gay gắt khiến chúng tôi tiêu hao sinh lực rất nhiều. Cũng may, trên đường đi thỉnh thoảng bắt gặp những bụi cà chua chi chít trái chín đỏ, kích thước chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng hương vị chẳng khác cà chua vườn đã giúp chúng tôi vượt qua cơn khát và tạm quên bao nỗi mệt nhọc.

Giữa trưa, chúng tôi ngồi nạp năng lượng bằng gói xôi khúc và bánh mì với chuối ngay trên cao đỉnh 593 mét vừa ngắm miệng núi lửa hình nón, được phủ xanh bởi cây rừng đang hiện hữu trước mặt với bao cảm xúc vô vàn.

{keywords}

 Núi lửa Chư B’luk nhìn từ xa

{keywords}

Tác giả và hướng dẫn viên chuẩn bị hành trình xuống đáy núi lửa Chư B’luk

{keywords}

Dưới đáy núi lửa Chư B’luk

Bạn đồng hành của tôi, anh Nguyễn Thanh Tùng - công tác tại khu du lịch thác Đray sap cũng là hướng dẫn viên đoàn hỗn hợp Việt - Nhật khảo sát địa chất, hang động núi lửa vùng Krông Nô - Đăk Nông từ năm 2011, cho biết: Miệng núi lửa Chư B’luk tròn đều, đường kính 600 m, và chiều sâu xuống đáy miệng núi lửa là 60 m. Đặc biệt, thảm thực vật trên núi khá đa dạng. Nếu mặt ngoài núi lửa là rừng khộp gồm các loại cây họ dầu mọc lưa thưa hay rụng lá vào mùa khô, thì chung quanh miệng là vô số bụi le, cỏ hôi phát triển dày đặt cao lút đầu người, còn dưới lòng chảo là rừng bán thường xanh, trong đó phần lớn là cây gỗ quý như Cẩm Lai, Cà Te, Bằng Lăng... quanh năm tươi tốt.

Thế nhưng, để xuống đáy núi lửa chẳng hề dễ dàng chút nào vì sườn dốc nghiêng không dưới 450 chưa kể cây rừng gãy đổ ngổn ngang. Dẫu thế nào, chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình bằng cách lần từng bước theo đường zích zắc và bám víu vào tất cả những gì có thể như dây leo, cây rừng... phòng khi bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, đôi lúc chúng tôi cũng trải qua một phen hốt hoảng khi bị trượt chân suýt bị tuột xuống đáy vực, thật may nhờ bụi cây chằng chịt phía dưới làm vật cản nên không hề hấn gì.

Vất vả, gian nan nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy khi dừng chân dưới đáy núi lửa thật xứng đáng. Đó là bãi đá bazan bọt nằm trong khu vực chừng 100m2, và trên mặt đá rễ cây bò ngoằn ngoèo như những con trăn trườn lổm ngổm. Nhìn lên miệng núi lửa toàn là tán lá, cây rừng tranh tối tranh sáng che khuất tầm nhìn.

Khám phá hang dung nham C8

Rời núi lửa Chư B’luk, chúng tôi tiếp tục băng qua bãi đá mênh mông đầy cỏ dại để tìm tới hang C8 - một trong những hang dung nham nằm gần kề núi lửa nhất.

{keywords}

Cửa hang C8

{keywords}

Người viết ngẫu nhiên bắt gặp nhóm học sinh đi phượt đang nướng khoai, bắp trước cửa hang

{keywords}

Trong lòng hang C8

Nằm ẩn mình dưới tán cây rậm rạp, cửa hang C8 vốn là hố khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy xưa kia rồi được mở rộng do phong hóa, sụp đổ. Thế nên, để xuống hang, chúng tôi buộc phải trèo xuống bãi đá chồng chất trước khi tiếp cận 4 cửa hang khác rộng lớn, có hình dạng ống và thẳng đứng.

Cấu trúc của hang C8 cho thấy, lúc núi lửa phun trào, dòng nham thạch khá mạnh chảy theo hướng tây nam qua đây, lại gặp nhiều khe rãnh nên phân nhánh tạo thành nhiều hang động. Không chỉ có thế. Khi chúng tôi thám hiểm những nhánh hang này còn phát hiện ra nhiều hang nhỏ hơn.

Bằng cảm giác, chúng tôi nhận định nhiều khả năng hang C8 rộng lớn hơn hang C3 có chiều dài 594,4m, xếp thứ hai về độ dài khu vực Đông Nam Á, đã được các đoàn khảo sát hang động núi lửa hỗn hợp Việt - Nhật công bố vào cuối năm 2014. Trong khi đó, các nhà khoa học chỉ mới đo đạt C8 vào dịp Tết dương lịch vừa qua và tới nay chưa công bố kết quả. Như vậy, số lượng hang động trong hệ thống hang núi lửa Krông Nô vẫn còn là một ẩn số.

Độn thổ vào hang núi lửa

Đó là chuyến đi mà mỗi lần nhớ lại tâm trí của chúng tôi lại tràn ngập cảm giác hồi hộp, bàng hoàng. Thực ra, hang C7 ám ảnh chúng tôi không phải vì vị trí nằm tận rừng sâu vắng lặng hay bởi bóng tối bao trùm suốt lòng hang có chiều dài hun hút tới 1.066,5 m đã được công nhận dài, đẹp nhất khu vực Đông Nam Á mà mối lo chính là nền hang âm sâu cách mặt đất chừng 12 mét và hoàn toàn không có lối đi xuống.

{keywords}

Đế xuống hang C7, hướng dẫn viên phải sử dụng thang dây đầy nguy hiểm

{keywords}

Trong lòng hang phân nhánh ra nhiều hang nhỏ hơn

{keywords}

Nhũ đá trong hang C7 màu đỏ như lửa

{keywords}

Đoàn du khách tham quan hang C3 (ảnh Trương Hào)

Hơn nữa, nhìn vào lòng hang, đá từ trần hang rơi nằm rãi rác như dấu hiệu cảnh báo vòm hang vẫn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Điều đó lý giải từ trước đến nay, chưa hề cps ai đặt chân tới khám phá, ngoại trừ các nhà khoa học được trang bị dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để xuống hang hoặc một vài người bản địa đi giăng lưới bắt dơi.

Riêng chúng tôi, đây là chuyến đi mạo hiểm thứ hai. Cả hai đã phải dùng thang dây loại nhỏ và trải qua những khoảnh khắc bàng hoàng khi đu mình đong đưa giữa không gian trước khi đạp chân tới bãi đá bazan bọt đang ẩn mình dưới thảm thực vật xanh rì và đối diện 3 cửa hang thẳng đứng theo vách đá.

Nếu lòng hang về phía đông minh chứng hướng đi xuôi dòng của dung nham và thỉnh thoảng gây ấn tượng từ cảnh vật lung linh, huyền ảo được tạo nên bởi tia nắng mặt trời chiếu qua hố khí tựa như giếng trời thì dấu vết trong hang phía đông nam chứng tỏ nó chảy ngược. Đặc biệt, hang nằm phía tây là một động lớn với bề rộng gần 20 mét và chiều cao hơn 15 mét, hội tụ nét đẹp đặc sắc: những thảm rêu xanh rì phủ khắp lòng hang, những hoa văn ngoằn ngoèo trên nền đá bằng phẳng cho thấy dòng dung nham qua đây đã chảy rối. Tiếp đến là vết trượt 2 bên vách hang trơn tru, đều đặn được tạo ra khi nham thạch phía trên đã nguội và trượt trên lớp phía dưới vẫn còn nóng và lỏng. Rồi những tầng địa mạo ống trong ống, những dòng chảy phun ngược, những họa tiết, trống đá, nhũ đá đa sắc màu.

Lòng hang bất ngờ trùng thấp và cuối cùng bị chắn ngang bởi những tầng nham thạch hóa đá màu đỏ xậm, nhìn hình thù có thể đoán hai dòng chảy ngược. Chúng tôi phải chùn gối, gập người luồn qua và đi tiếp, hy vọng phát hiện thêm điều mới lạ. Nhưng càng vào trong, không gian càng ngột ngạt và thoang thoảng mùi phân dơi cũng là lúc xuất hiện đàn dơi bay chập chờn trong khoảng không tăm tối.

Bài và ảnh: Trần Thế Dũng
(Công ty Du Lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM)