- Thương trường là chiến trường, nhưng sau những bộn bề toan tính, doanh nhân lại có những phút lãng mạn, yêu đời đến kỳ lạ. Họ dù rất bận rộn, nhưng vẫn có những khoảng thời gian sáng tác, tự thưởng cho mình phút sống chậm đầy đam mê.

Doanh nhân đa cảm và lãng mạn

Giáp Tết Ất Mùi, chen ngang lịch bận rộn của TS. Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, chúng tôi dự định phỏng vấn anh về nghiệp kinh doanh, về nhà đất... Nhưng rồi, câu chuyện về thơ đã chiếm gần hết thời gian.

Anh Thắng trải lòng: "Khi anh đến nụ tầm xuân hé nở/Nguyện cùng em giữ chặt mối duyên tơ/Thơ là đời, tình là thơ em bảo/Mãi trinh nguyên cho bất cứ bao giờ".

Mối tình ấy đã từng hẹn thề: "Nguyện ước trăm năm tình đẹp mãi/Như cả mùa xuân của chúng mình (trích bài thơ Tình xuân Tân Mão)". Nhưng về sau, đúng như nhà thơ Hồ Dzếnh đã đúc kết trong bài "Ngập ngừng": " Đời mất vui khi đã vẹn câu thề/Tình chỉ đẹp khi còn dang dở".

Nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng, sở hữu khá nhiều dự án nhà ở an sinh xã hội ở Hà Nội bỗng trở nên đa cảm khi hoài niệm.

Nhưng thực ra, đã vốn dĩ mang tâm hồn lãng mạn, với một trái tim luôn nóng bỏng những yêu thương, Tổng giám đốc Sông Đà 7 đa sầu như vậy với các nàng thơ cũng là lẽ tất yếu. Tấm chân tình trong những vần thơ về tình yêu của anh như đã làm tan cái lạnh giá ngày giáp Tết ấy.

{keywords}

TS. Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7

Cho đến nay, Nguyễn Mạnh Thắng đã sở hữu 2 tập thơ và 1 đĩa CD do Nghệ sĩ nhân dân Trung Đức phổ nhạc và trình bày.

Tuy nhiên, trong những áng thơ về quê hương đất nước, về tình yêu với công trường xây dựng, về cha mẹ, bạn bè lại thấy ở anh luôn là một vị lãnh đạo sôi nổi, quyết liệt, sát sao, hiến thân và dấn thân với công việc.

Anh tâm niệm: "Cái chính là phải làm ăn tuân thủ đúng luật pháp, không chộp giật, không thời vụ, không dàn trải. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải có văn hoá, có đạo đức thì mới tồn tại bền vững được".

"Năm Ất Mùi, thị trường bất động sản có thể sẽ ấm lên. Công ty đã có kế hoạch cho các dự án mới", anh nói. Còn với thơ, vị doanh nhân giãi bày: "Thời nay, cuộc sống cuộn chảy, vội vã. Tôi làm thơ chỉ là để trải lòng mình, như là tập thể dục cho thể xác mình mà thôi".

Tự thương và tự thưởng cho mình

Cuối năm 2014, cộng đồng mạng và những người yêu hình thức câu đối truyền thống sục sôi với vế ra câu đối của TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch LienVietPostBank trong cuộc thi tìm câu đối chúc mừng năm mới Ất Mùi.

{keywords}

TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch LienVietPostBank

Trong thư ngỏ, ông Hưởng giải nghĩa: "Tiễn Giáp bùi ngùi vui Mã đáo". Ý rằng, trong bối cảnh sắp tiễn năm Giáp Ngọ đi qua, chúng ta không khỏi có cảm giác bùi ngùi, một sự nuối tiếc nhẹ vì sắp phải chia tay năm cũ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cảm giác vui vì một năm qua để lại nhiều dấu ấn thành công. Cho nên, cảm xúc đan xen giữa sự bùi ngùi và niềm vui thành công được hiện hữu.

Vế ra thể hiện sự ghi nhớ về những điều tốt đẹp đã mang đến cho chúng ta, vì thế, ý câu này đã cho thấy nhân cách một con người luôn biết "tri ân", không phải người "vong ân bội nghĩa", mà luôn ghi công những người, những điều đã giúp sức, hỗ trợ cho sự thành công của bản thân mình và tập thể mình.

Những tưởng loại hình câu đối đã không còn 'đất sống', thế nhưng chỉ trong 48 tiếng, đã có hơn 10.000 người tham gia đối lại, bằng cách gửi email, tin nhắn, khiến tác giả Nguyễn Đức Hưởng cũng thấy bất ngờ.

Thực tế, trong cuộc sống đời thường, ông Hưởng đã nổi tiếng là mê câu chữ như những vần thơ hài hước, nhất là câu đối - một "bộ môn nghệ thuật" đòi hỏi cả tư duy toán học và văn chương cũng như kiến thức sâu rộng về văn hoá Hán Nôm, triết học, lịch sử.

Kết quả, người đạt giải nhất cho cuộc thi này là TS Nguyễn Tuấn Cường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam với vế đối lại: "Nghênh Tân phấn chấn tấn Dương khai". Ý rằng, người đón năm mới với tinh thần lạc quan hân hoan, vui mừng khôn xiết, tiến tới một năm thịnh thượng, hanh thông.

{keywords}

"Tôi nghĩ rằng, chữ nghĩa cũng chính là một món ăn tinh thần truyền thống của người Việt Nam. Nhưng chơi câu đối, nếu một mình mình tự làm thì mất hay. Tôi mở ra cuộc thi câu đối cũng là để giáo dục, động viên các nhân viên của mình có một nhân sinh quan yêu đời, luôn biết nhìn lại để đi tới thành công trong thế giới ngày nay", anh tâm sự.

Vị doanh nhân này chia sẻ: "Phương châm của mình là là là tự thương và tự thưởng. Khi tổ chức thi câu đối, tôi muốn thưởng điều đó cho nhân viên một điều gì khác biệt, không được bình bình mà phải được nhiều người quan tâm, nhưng lại đòi hỏi đơn giản, ngộ nghĩnh, giảm stress".

Trong cuộc sống, Nguyễn Đức Hưởng tự nhận rằng, mình hay lạc quan tếu. Kể cả gặp xui đến mấy, cũng tự nghĩ là hãy còn may. Lạc quan là tinh thần cốt lõi mà anh luôn muốn truyền cảm hứng cho các cán bộ nhân viên trong ngân hàng của mình để từ đó, có thể cống hiến và làm việc tốt hơn.

"Con người ta lúc tìm việc thì chọn nơi có thu nhập tốt nhưng khi thu nhập tốt rồi người ta lại tìm giá trị lớn hơn là văn hóa. Những người có kinh nghiệm luôn chọn môi trường văn hóa mới chọn lương cao", ông Hưởng chia sẻ.

Sáng tác là để trải lòng mình

Còn nhớ tháng 4/2011, Chương trình Bài hát Việt đã trao tặng giải Abum vàng cho ca khúc Sẽ mãi yêu anh, do ca sỹ Nguyễn Ngọc Anh thể hiện. Nhạc sĩ sáng tác ca khúc tên là Phùng Tuấn Hà.

Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, Phùng Tuấn Hà là Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (Petrosetco), trước đó là Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (thuộc PVN).

Khi ấy, anh đã chia sẻ trên một tờ báo rằng, anh không hề kỳ vọng sẽ đạt giải thưởng gì. Nhưng anh biết, đã có người phụ nữ làm việc trên giàn khoan dầu khí rơi nước mắt khi nghe ca khúc trữ tình này. Làm sao mà không rơi nước mắt, khi cô ca sĩ cứ thủ thỉ những lời da diết "Không gió lớn, không sóng to, không là biển/Không đắng cay, không đợi chờ, không là tình yêu/Cho dù như thế/Tôi vẫn chờ anh/Sẽ mãi yêu anh thật nhiều".

Cũng giống như vị lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liệt Việt, Phùng Tuấn Hà sáng tác ca khúc còn là để động viên, khích lệ những người lao động của mình như bài hát "Petrosetco-chặng đường vinh quang" được đặt làm nhạc chờ của nhiều nhân viên trong công ty.

{keywords}

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu

Ở Hà Nội, một vị doanh nhân nổi tiếng khác lại được biết đến như một nghệ sĩ nhiếp ảnh gia kỳ cựu. Đó là ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.

Bạn bè thường thấy ông không quản ngại đường xa, dành thời gian hiếm có của mình để lên tận những vùng núi như ở Yên Bái, Hà Giang, Hoà Bình sáng tác ảnh. Những tác phẩm mà ông yêu thích nhất là ghi lại những khoảnh khắc chân thực của lao động sáng tạo. Ở đó, có một bà cụ già 80 tuổi đang ngồi dưới nắng gắt để mót hạt thóc rơi từ những bãi rơm phơi bên vệ đường, có một chị trung niên đang hoan hỉ thồ hàng về...

Vị đại gia vàng bạc này nói rằng, chính nhiếp ảnh là chiếc cầu nối giúp ông vươn tới cái đẹp, và hoàn thiện bản thân trong công việc và cuộc sống.

Chỉ sẻ điều này, một doanh nhân cũng là một nghệ sĩ sáng tác nhạc nói: "Làm kinh doanh, đôi khi rất cô đơn. Vì ngoài những cuộc đàm phán căng thẳng, những toan tính để có lợi ích có khi còn phải làm những việc mà bản thân không muốn, thậm chí ngược với tính cách, quan điểm sống của mình. Bởi thế, sáng tác là một cách để giải phóng tinh thần, để được sống thật với chính mình mà thôi".

Phạm Huyền