Khách hàng đến ăn phải chờ dài cổ, thậm chí còn bị chủ quán mắng chửi nhưng quán vẫn đông khách.

 

Nói đến “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm điều” người ta thường nghĩ ngay đến thái độ phục vụ của các quán ăn ở Hà Nội. Nhưng nay tại TP HCM đã xuất hiện một số quán có thái độ tương tự .

Xếp hàng chờ đến lượt

Quán bánh đúc không bảng hiệu nằm trong một con hẻm nhỏ đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), mở cửa từ 14 giờ đến 17 giờ, nhưng luôn chật ních khách hàng. Người đến ăn phải chờ dài cổ, có khi không đủ ghế ngồi khách phải vừa đứng vừa ăn. Nhiều người còn phải xếp hàng dài chờ đến lượt mua bánh đúc.

{keywords}

Dù thái độ phục vụ khá “chảnh” nhưng quán bánh đúc luôn đông khách.

Tại quán bánh đúc này, chúng tôi chứng kiến 2 vị khách đã chờ hơn nửa giờ mà vẫn chưa có bánh đúc để ăn. Thấy hai người này bày tỏ thái độ khó chịu, nhân viên phục vụ nói ngay: “Từ từ đến lượt. Không ăn thì thôi!”. Trong khi đó, một khách hàng lại nói nhỏ với chúng tôi: “Đến quán này phải chuẩn bị tiền lẻ. Ai mà đưa tiền chẵn dễ bị chủ quán to tiếng lắm đó!”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết được quán bánh đúc này đã tồn tại hơn 40 năm, giá bán mỗi chén 17.000 đồng. Nhìn chén bánh đúc khá bắt mắt, có màu vàng của tóp mỡ, màu đen của mộc nhĩ, thịt bằm, hành phi… chúng tôi ăn thấy rất ngon. Có lẽ vì ngon và đắt hàng nên chủ quán hách dịch với khách hàng chăng?

Trò chuyện với chúng tôi, chủ quán bánh đúc cho biết: “Quán lúc nào cũng đông nghịt khách, nhiều người không chịu xếp hàng cứ chen chân mua trước hoặc liên tục thúc giục nhân viên phục vụ. Vì thế, tôi phải cáu lên để họ loại bớt những vị khách bất lịch sự”.

Giá rẻ và ngon

Cứ đầu giờ chiều mỗi ngày là quán bánh cuốn khu Hòa Hảo (quận 10, TPHCM) tấp nập khách. Khách ăn phải đi bộ 100 mét để tìm chỗ gửi xe với giá 5.000 đồng/chiếc. Điều mà mọi người nhận thấy ở quán bánh cuốn nổi tiếng này là chủ quán luôn miệng chửi mắng khách hàng.

{keywords}

Khách đến ăn không dám lớn tiếng vì sợ chủ quán nạt nộ

Anh Hùng nhà ở quận 5, TPHCM, kể: “Thấy quán này đông, tôi tò mò đến ăn thử. Khi tôi xin thêm một ít giá trụng và ít ớt xay liền bị chủ quán hét lớn: “Đui mù hay sao không thấy ớt xay để ở bàn kế bên”.

Còn anh Lâm, một khách hàng “ruột” quán này cho rằng, bánh cuốn ở đây ngon và giá rẻ, chỉ 17.000 đồng/đĩa. Nước chấm hết sức đặc biệt, chả lụa và thịt bằm nhiều hơn so với chỗ khác. Còn chuyện chủ quán có “nói ra nói vào” như chửi mắng thì mặc kệ miễn rẻ và ngon là được.

Một quán phở gần chợ Thuận Kiều (quận 5) cũng có số lượng khách đến ăn luôn nhiều hơn số ghế. Bà chủ quán này nổi tiếng với những lời nói xiên xỏ, bóng gió để đuổi khéo những khách hàng ăn chậm. Chị Huỳnh Thị Liên - người thường hay ăn quán phở trên cho biết: "Tuy chủ quán 'hơi chảnh', nhưng do tô phở chỉ có giá 30.000 đồng, lượng thịt và bánh phở nhiều hơn quán khác, nước lèo có hương vị đặc biệt” nên chị thường xuyên đến ăn phở quán này.

Tâm lý đám đông

Theo Tiến sĩ Cù Văn Lang, chuyên gia kinh tế (hiện đang làm việc tại London, Anh quốc), người Việt Nam thích ăn ở quán đông khách vì nghĩ rằng chỗ nào đông người chỗ đó sẽ ngon. Ngoài ra, họ muốn trải nghiệm một phong cách phục vụ mới bằng cách dò xét hành động “kỳ cục” của những quán ăn có thái độ “chảnh”.

Ông Lang cho rằng, thái độ phục vụ của các quán ăn theo lối chửi mắng là hiện tượng kinh doanh thiếu văn hóa, mất nét đẹp trong ẩm thực, không nên khuyến khích cách hành xử này với khách hàng.

(Theo Người Lao Động)