Ngày 24/3, một chiếc Airbus A320, thuộc hãng hàng không Germanwings đã gặp tai nạn ở Pháp khi đang bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức). Đây là thảm họa rất đáng tiếc bởi máy bay của họ được đánh giá là an toàn bậc nhất thế giới.

A320 là một trong hai mẫu máy bay được sử dụng nhiều nhất thế giới. Mẫu máy bay có mức độ phổ biến tương đương là Boeing 737. “Đó là hai loại máy bay được ưa chuộng bậc nhất” - David Learmount, biên tập viên của tạp chí Flight International và là một chuyên gia về các vấn đề hàng không, cho biết.

“Chiếc máy bay rất đáng tin cậy”

Thành viên đầu tiên của họ máy bay A320 - chính là chiếc A320 - được giới thiệu vào tháng 3/1984. Chiếc máy bay này cất cánh lần đầu trong ngày 22/2/1987 và được bàn giao vào tháng 3/1988.

Họ máy bay này nhanh chóng mở rộng lên gồm các mẫu A321 (bàn giao lần đầu vào năm 1994), A319 (1996) và A318 (2003). Họ máy bay A320 đi tiên phong trong việc sử dụng hệ thống điều khiển bay số hóa, bên cạnh cần điều khiển nhỏ gọn. Ngoài ra, nhà sản xuất liên tục nghiên cứu, nâng cấp dòng máy bay này kể từ khi nó xuất hiện lần đầu.

Mỗi chiếc A320 bình thường có thể chứa 150 hành khách, với phiên bản chia 2 hạng thường và thương gia, hoặc tới 180 hành khách trong phiên bản dành cho các chuyến bay giá rẻ.

Có thể nói A320 là “ngựa thổ” của rất nhiều hãng hàng không. Chuyên gia an toàn hàng không Alex Macheras nói với hãng tin Sky News: “A320 được gần như mọi hãng hàng không có các tuyến bay ngắn sử dụng, từ British Airways tới easyjet. Người ta thích A320 vì chúng rất hiệu quả, hiện đại và được trang bị các công nghệ mới nhất, khiến việc bay cùng chúng trở thành niềm vui”.

{keywords} 

“Thật sảng khoái khi bay trên một chiếc A320” - John Cox, cựu phi công kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không Safety Operating Systems cho biết thêm - “Đó là một chiếc máy bay rất đáng tin cậy”.

Một vụ tai nạn hiếm hoi

Tính tới ngày 31/1/2015, đã có tổng cộng 6.415 chiếc Airbus thuộc họ A320 được bàn giao cho khách hàng và 6.157 chiếc trong số đó vẫn đang hoạt động. Ngoài ra, có 5.099 chiếc khác vẫn đang trong đơn đặt hàng sản xuất. A320 được xem là họ máy bay chở khách bán chạy hàng đầu thế giới, theo dữ liệu thống kê từ năm 2005 tới năm 2007.

Kể từ những năm 1980, chỉ có vài vụ tai nạn liên quan tới A320. Gần đây nhất là vào năm 2008, khi một chiếc máy bay của Taca Airlines - hãng hàng không quốc gia El Salvador, đáp trượt đường băng làm 3 hành khách và 2 người dưới đất thiệt mạng.

Trước đó chiếc máy bay chỉ rơi có 7 lần, gồm một lần do biểu diễn đường bay khó tại hội chợ triển lãm hàng không Pháp 1988. Lần ấy, chiếc máy bay đã không lấy đủ độ cao và đâm vào cây. Năm 2000, một chiếc A320 rơi xuống biển ở Bahrain trong lần thử hạ cánh thứ 3. Năm 2006, nó rơi vì thời tiết xấu khi cố hạ cánh ở Sochi.

A320 có liên quan tới vài vụ tai nạn chấn động. Chiếc máy bay mang số hiệu 8501 của hãng AirAsia đã rơi xuống biển Java khi đang trên đường từ Indonesia tới Singapore hồi tháng 12 năm ngoái, là một phiên bản A320. Vụ tai nạn khiến 162 người thiệt mạng và nguyên nhân tai nạn vẫn đang được làm rõ.

Tháng 2/2009, phi công Chesley “Sully” Sullenberger đã lái một chiếc A320, gặp sự cố do bị chim trời đâm trúng làm hỏng cả hai động cơ, hạ cánh xuống mặt sông Hudson ở Mỹ, cứu sống toàn bộ các hành khách.

Thảm kịch của hãng Germanwings cũng là lần đầu tiên A320 bị đâm vào núi. “Chuyện này rất khó xảy ra. Nó rất hiếm hoi” - ông Learmount nói.

Thảm họa đã xảy ra rất nhanh

Chiếc A320 rơi trong ngày 24/3 đã hoạt động được 24 năm và đang chở theo hơn 140 người trên máy bay khi gặp nạn. Phía Pháp nói rằng có khả năng không còn ai sống sót sau tai nạn.

Do máy bay không gặp tai nạn trong quá trình cất cánh hoặc hạ cánh, các chuyên gia tin rằng nó đã vướng phải sự cố nào đó bất ngờ. “Có thể một vấn đề nghiêm trọng đã xuất hiện, không cần biết đó là do lỗi cơ khí hay do một người trên máy bay gây ra”. - cứu phi công Anthony Roman nói với trang tin MSNBC - “Nhưng cho dù chuyện gì xảy ra, thảm họa đã tới rất nhanh”.

Chuyên gia hàng không Schiavo của hãng tin CNN nói rằng dựa trên chương trình theo dõi đường bay trực tuyến, chiếc máy bay đã hạ từ độ cao 38.000 feet (11.582,4m) xuống độ cao 24.000 feet (7.315,2m) chỉ trong 6 phút. Điều gì đã gây ra hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ.

Airbus thông báo trên trang Twitter rằng, hãng đã biết về vụ tai nạn và hiện đang “dồn mọi nỗ lực để đánh giá tình huống”

(Theo Thể thao & văn hóa)