- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, các thương vụ sáp nhập ngân hàng thời gian tới sẽ có nhiều điểm mới, kịch tính hơn, làm thay đổi thứ hạng trên thị trường. Song, lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm.
Báo cáo tới Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô quý I mới đây, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra các đánh giá quan trọng đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo đó, Ủy ban nhận định thanh khoản hệ thống ngân hàng vừa qua được duy trì tốt. Lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định. Xu hướng cắt giảm lãi suất huy động đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng.
Tính đến ngày 24/2, dư nợ tiền gửi nội tệ đã tăng 0,96% so với đầu năm. Nguyên nhân là do tỷ lệ lạm phát đã giảm 1,5 điểm phần trăm, từ mức 1,84% tháng 12/2014 xuống còn 0,34%/năm trong tháng 2, nhờ đó, giúp duy trì lãi suất thực.
Cùng đó, xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ có nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.
Tuy nhiên, do quá trính tái cơ cấu, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm.
Năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm tới 25,8% so với năm 2013.
Tròn một năm trước, thời điểm tháng 4/2014, Ngân hàng Nhà nước đã công bố trong vòng 3 năm, sẽ giảm số lượng ngân hàng từ 35 xuống chỉ còn 17-18 đơn vị. Các dự báo về một chiến dịch bùng nổ M&A trong ngân hàng đã được đưa ra với khoảng 6-7 thương vụ giữa ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn.
Ví dụ, MekongBank sẽ vào MaritimeBank, DaiABank vào HDBank, PhuongNamBank và Sacombank, Phương Tây sáp nhập vào PVFC, HBB nhập vào SHB, PGBank hợp nhất vào Vietinbank. Ngoài ra, thị trường còn đồn đoán thêm về cuộc “kết hôn” giữa Vietcombank và SaigonBank, giữa BIDV và MHB, giữa Vietinbank với OceanBank.
Tuy nhiên, cho đến hết năm 2014, vẫn chưa có vụ sáp nhập nào diễn ra giữa các ngân hàng này. Trong khi đó, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng với mục tiêu tới năm 2015, phải có một đến hai ngân hàng mạnh đẳng cấp thế giới đã được đề ra từ năm 2011.
Chia sẻ với báo chí hồi tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Vũ Viết Ngoạn, giãi bày: "Tái cơ cấu là quá trình gian nan, thậm chí là đau khổ, nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Quan trọng là những năm qua, chúng ta đã chuẩn bị căn bản giải quyết các tồn tại, yếu kém của hệ thống ngân hàng. Năm 2015 có điều kiện thuận lợi để nhiều cuộc “kết hôn”, sáp nhập bùng nổ, từ đó, tạo chuyển biến đột phá ở năm 2016".
"Chúng ta đã từng thành công khi tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn năm 2000, khi đó có hơn 10 ngân hàng đã rút khỏi thị trường bằng cách này. Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao và lấy làm bài học kinh nghiệm. Vậy, không có lý do gì chúng ta không thực hiện được", ông Ngoạn nói.
Về tình hình kinh tế vĩ mô nói chung, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra các dự báo khá lạc quan. Nếu như giá dầu không xuống thấp tới 40 USD/thùng, tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%. Lạm phát cơ bản sẽ chỉ ở mức 3,5%.
Phạm Huyền