- Những trái dưa đã bớt đi "vị đắng" khi người nông dân xứ Quảng được giúp tiêu thụ. Thế nhưng, nơi này trái dưa giữ được vị ngọt, thì nơi kia vẫn đắng. Khi thị trường được điều chỉnh bằng "con tim" sẽ không thể có thị trường trọn vẹn.

“Bán dưa hấu ủng hộ bà con nông dân miền Trung, cam kết không lợi nhuận... Dưa hấu ngọt mát, giá rẻ chỉ 5.000 đồng/kg... Ai đọc được status này xin hãy mua giúp một quả dưa để ủng hộ nông dân Quảng Nam... ” hay “Nông dân sẽ còn khốn khổ nếu dưa không được thu mua. Dưa hấu lại là món ăn nên ăn thường xuyên trong mùa hè. “Mỗi trái dưa một tấm lòng”, mọi người mua ủng hộ bà con đi ạ”...v..v..

Hàng loạt lời kêu gọi như thế xuất hiện trong cộng đồng mạng, đặc biệt là trên facebook, những ngày gần đây. Từ các bạn sinh viên đến các công chức, người xung phong bán dưa không lợi nhuận rất nhiều. Thậm chí, ở Hà Nội còn rộ lên thành phong trào bán dưa giúp nông dân Quảng Nam. Theo đó, người mua một quả, hai quả, thậm chí 5-10 quả cũng vô số.

Nhưng có lẽ, gây chú ý hơn cả là sự kiện ngày 9/4, cộng đồng mạng chia sẻ bức ảnh trụ sở Bộ Công Thương cũng trở thành nơi bán dưa hấu “nghĩa tình”.

{keywords}

Cán bộ khối cơ quan Bộ Công Thương mua dưa ủng hộ đồng bào miền Trung

Những trái dưa vỏ xanh, ruột đỏ đã bớt đi "vị đắng" khi người nông dân xứ Quảng được cộng đồng chung tay giúp sức tiêu thụ.

Thậm chí, nhà báo Trần Đăng Tuấn, trên facebook của mình, còn nêu ra ý tưởng xây dựng chợ "bầu bí" và được rất nhiều người hưởng ứng. Những giá trị tốt đẹp đã được lan toả. Sự hưởng ứng về khu chợ nghĩa tình ấy cho thấy, ngày càng có nhiều người ý thức hơn về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Thế nhưng, nơi này trái dưa giữ được vị ngọt, thì nơi kia vẫn đắng. Khi thị trường được điều chỉnh bằng "con tim" thì sẽ không thể có thị trường trọn vẹn. Những xe tải dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ùn ứ, xếp hàng chờ đợi thành những hàng dài dằng dặc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Khi các cán bộ đoàn viên thanh niên ở Bộ Công Thương bán lẻ từng quả dưa ở trụ sở cơ quan - một nghĩa cử đẹp đáng trân trọng, nhưng sẽ vô cùng ý nghĩa khi những cơ quan có trách nhiệm ở Bộ này có biện pháp tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu để không còn cảnh phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường. Công việc mà có vẻ như bao nhiêu năm qua, cơ quan này vẫn bó tay?

Câu chuyện dưa hấu chưa nguôi thì lại đến câu chuyện hành tím. Người nông dân lại ế. Và thị trường lại buộc phải điều chỉnh bởi "con tim" khi cộng đồng mạng lại phải kêu gọi tiêu thụ.

Dưa hấu rồi củ hành và còn bao nhiêu loại nông sản khác nữa? Những sự vụ như thế này chẳng khác gì nhiều về bản chất với vụ việc nông dân được mùa vải nhưng lại bị ế ẩm, rớt giá thê thảm khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Và rồi năm ngoái, người ta cũng kêu gọi nếu mỗi người ăn ủng hộ một kg vải thiều thì sẽ không lo vải ế. Ít lâu sau lại đến quả cà chua. Cộng đồng mạng lại kêu gọi ăn cà chua ủng hộ nông dân.

Nghịch lý là lời kêu gọi ấy còn được chính những người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng nói ra. Điều này chẳng khác nào Bộ Y tế kêu gọi người dân tẩy chay thực phẩm bẩn. Nói như một bình luận trên facebook của một nhà báo - đó là biểu hiện của sự bất lực.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì để cán bộ đoàn phải bán lẻ từng quả dưa, lẽ ra Bộ Công Thương cần phải tìm ra các thị trường xuất khẩu, giải quyết được các vấn đề trong chính sách biên mậu để hàng hoá được giao thương thông thoáng hơn.

Và đặc biệt, thị trường nội địa cần được điều tiết, để không còn cảnh nông dân trồng dưa, trồng hành,... khóc ròng trên mảnh ruộng của mình, không còn cảnh dưa hấu, cà chua đổ cho bò ăn, còn ở những vùng tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP.HCM thì người tiêu dùng vẫn phải mua vài chục ngàn một kg dưa hấu, hay hành tím như những ngày qua.

Hà My