- Bộ Công Thương tuyên bố chính thức: dưa hấu đã tiêu thụ được 80%, với mức giá khả quan. Thế mà, trong bức tranh xán lạn đó, cả tuần nay, một Cục phó của Bộ lại phải đôn đáo kết nối bán dưa ủng hộ bà con miền Trung trên Facebook.

"Que diêm và đám lửa"

Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã đặt tiêu đề như vậy cho một status trên Facebook cá nhân của mình hôm 12/4.

Ông mở lời: "Xe dưa tiếp theo đã hết. Nhu cầu vẫn còn nhiều lắm, nhưng không có đầu mối cùng chia sẻ thì hoạt động mua dưa ủng hộ nông dân miền Trung sẽ khó khăn".

"Nếu không có thương nhân thì ai đem dưa ra Hà Nội để chúng ta thể hiện tấm lòng chia sẻ với nông dân. Và thương nhân cũng có những nhọc nhằn, nước mắt, có những người lỗ đậm, ôm nợ phá sản vì đã đặt cọc cho nông dân mà không thể bán được dưa" - vị Phó cục trưởng phân tích.

Đặc biệt, trải lòng về những ý kiến nói rằng "Bộ Công Thương không làm chính sách mà lại đi bán dưa" sau sự kiện mua ủng hộ 14 tấn dưa của Bộ, ông nói: "Việc đó không thay thế hoạt động chính sách vĩ mô, mà chỉ là một việc làm rất nhỏ bé hỗ trợ, bồi đắp vì mục tiêu làm cho cuộc sống nông dân khá hơn lên. Đó chỉ như một que diêm, góp phần thổi lên ngọn lửa quan tâm của mọi người đối với một trong muôn vàn vấn đề của cuộc sống".

{keywords}

Một bức ảnh người dân ủng hộ mua dưa hấu trên FB của Phó Cục trưởng Cục XNK Trần Thanh Hải

Và ông tiếp tục kêu gọi các thành viên có thể làm đầu mối ở Hà Nội mua dưa ủng hộ, có thể kết nối đặt hàng một xe từ 20-22 tấn dưa.

Một bài viết dài hơn 500 chữ đầy lòng trắc ẩn về công việc thiện nguyện "mỗi trái dưa, một tấm lòng"!

Hàng trăm bạn bè Facebook của ông Hải đã ủng hộ và trong số đó, cũng đã có ít nhất 7 thành viên "tiếp sức" làm đầu mối tại Hà Nội mua dưa ủng hộ bà con miền Trung.

Lời vận động được lan truyền rộng khắp cộng đồng mạng, kéo theo, hàng trăm thành viên đã đặt mua, người 10kg, người 50kg. Các "đầu nậu" thiện nguyện này đều tự bỏ chi phí vận chuyển để giữ giá gốc bán cho người dân Hà Nội với giá 5.000 đồng/kg. Chỉ nửa ngày, mỗi chuyến xe trở ra đã hết veo.

Mới đây, ngày 13/4, tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng đã thu mua ủng hộ người nông dân 10 tấn với mức giá 2.000 đồng/kg, cao hơn 4 lần so với giá hiện tại tại ruộng dưa.

Tiêu thụ 80%, giá khả quan: Ở đâu?

Vậy mà, mới cuối tuần trước, Bộ Công Thương lại chính thức phát đi một "bản tin" thật tươi sáng về thị trường dưa hấu Việt Nam.

“Việc sản xuất, tiêu thụ và thu mua dưa hấu của bà con nông dân vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan” - ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước của Bộ, cho biết.

Ông Quyền khẳng định, nhiều địa phương đã tiêu thụ được gần 80%. Dưa hấu xuất khẩu ù ứ ở cửa khẩu cũng đã nhanh chóng giảm xuống với giá bán cũng dao động trên dưới 10.000 đồng/kg.

Thế nhưng, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phùng Quang Hội, Chi Cục trưởng chi Cục hải quan Lạng Sơn, chia sẻ, hiện tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh mới giảm chút ít, còn tồn đọng 300-350 xe/ngày.

"Mức giá 10.000 đồng/kg là giá đầu vụ. Còn giờ, giá dưa hấu xuất sang Trung Quốc cao nhất cũng chỉ được 6.000 đồng/kg, giá trung bình 3.000 đồng/kg".

{keywords}

Ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu chưa dứt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đi thị sát tình hình tiêu thụ dưa hấu ở Tân Thanh hôm 11/4 cũng đã được nghe báo cáo rằng, phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu nên chỉ cho phép 10 doanh nghiệp nhập khẩu qua cửa khẩu này. Công tác kiểm dịch, phân loại nghiêm ngặt, mỗi xe phải nằm lại ít nhất 4-6 tiếng mới giải phóng được. Giá dưa hấu giảm mạnh, không ổn định nên các thương lái Việt Nam cũng phải đàm phàn giá, tình trạng ùn tắc còn có ngày gay gắt hơn.

Có một sự trái ngược lạ lùng trong bức tranh về dưa hấu trên.

Nếu sản xuất và tiêu thụ dưa hấu bình thường như thông điệp của Bộ Công Thương khẳng định, thì Cục phó Cục Xuất nhập khẩu đã không phải vất vả bán dưa trên Face. Và tất nhiên, Công đoàn của Bộ Công Thương hay tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cũng đâu cần đứng ra tổ chức mua - bán dưa cho bà con nông dân.

Nếu mọi thứ khả quan như vậy, hẳn nhiên, cộng đồng Facebook nhiều ngày nay đã không sục sôi ủng hộ mua dưa miền Trung như vậy.

Ông Võ Văn Quyền nêu ra hệ thống 6 giải pháp, như "Bộ Công Thương đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xây dựng các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân,... Nhiều chương trình đã thực hiện như "Kết nối cung cầu", "Bình ổn thị trường", "Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt", phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để nâng cao năng suất, chất lượng dưa,...

Thực ra, hệ thống giải pháp trên đã được nhắc tới từ 10 năm nay và kết quả là, tình trạng "ùn ứ" ở cửa khẩu, dưa hấu bỏ cho bò ăn vẫn cứ diễn ra.

Dù rằng, câu chuyện dưa hấu này muốn "thông" còn phải phụ thuộc vào yếu tố thị trường và sự khôn khéo của các chủ thể trong nền kinh tế: thương lái, doanh nghiệp và người nông dân.

Đằng sau tấm lòng đẹp, tinh thần vì cộng đồng ấm áp của Cục phó Trần Thanh Hải, rõ ràng, vẫn là sự bất lực kéo dài của các cơ quan quản lý. Những việc nhỏ như ở câu chuyện "que diêm và đám lửa" là rất tốt, nhưng việc lớn như thiết lập một nền sản xuất ổn định, một thị trường cung cầu lành mạnh sao 10 năm vẫn bất thành?

Như ông Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Lạng Sơn nhận xét, giải pháp của các bộ mới chỉ làm phần ngọn!

Sau dưa hấu, giờ cộng đồng Facebook lại đang kêu gọi thu mua hành tím hỗ trợ cho nông dân miền Tây! Không biết tới đây, sẽ còn mặt hàng nông sản nào phải nhờ cậy tiêu thụ, và việc tiêu thụ bị động này sẽ kéo dài 5, 10 năm hay bao năm nữa?

Phạm Huyền