- Trong khi nông dân Việt Nam đang khóc ròng trên đồng ruộng của mình thì ngoài thị trường, hành tây, hành tím Trung Quốc vẫn được nhập về ồ ạt, phủ khắp các chợ lớn nhỏ với giá cao chót vót.

Bán hàng trăm tấn hành Trung Quốc mỗi đêm

10h đêm, tại chợ Long Biên (Hà Nội). Mặc dù chưa phải giờ cao điểm nhưng lúc này, xe chở nông sản từ khắp nơi về đổ hàng đầy chợ, trong đó phần lớn là các mặt hàng nông sản Trung Quốc. Từ khoai tây, cà rốt, hành tây, hành tím,... đến các loại quả, với bao bì còn nguyên tem xuất xứ từ Trung Quốc, chất đống đầy chợ.

Tại đây, người mua kẻ bán tấp nập. Xe cải tiến, xe máy nhanh chóng được chất đầy các loại hành tây, hành khô Trung Quốc rồi chở về các quầy sạp trước khi phân phối cho mối lẻ. Hỏi mua hành tây, anh Tuấn - một mối bỏ sỉ hành tây - liền trả lời: “Hành tây Tàu giá 6.000 đồng/kg, hành khô thì 13.000 đồng/kg”. Hỏi mua hành tím Sóc Trăng, người đàn ông này chỉ nói ngắn ngọn “Đi khắp chợ cũng không có hành tím Sóc Trăng đâu. Chợ này hành Tàu nhiều chứ hành Việt không có mấy, em cứ đi hỏi mà xem”.

{keywords}

Trong khi các loại hành Việt đang ế ẩm thì hành Trung Quốc vẫn đầy chợ

Tại các sạp khác, PV cũng nhận được những câu trả lời tương tự và khẳng định, mối lấy sỉ để bán lẻ hay nhà hàng đều nhập loại này.

Theo anh Tuấn, ở chợ Long Biên, người mua kẻ bán không bao giờ phải giấu, phải đố nhau về xuất xứ của hàng hóa. Bởi ai cũng biết những món hàng họ lấy có nguồn gốc Trung Quốc. Khách lấy buôn chỉ cần chọn loại hàng, báo số lượng, nếu lấy ít thì có thể cân hàng luôn, còn lấy nhiều chủ hàng sẽ cho xe chạy đem đến đổ tận nơi theo yêu cầu.

Chợ Long Biên mua bán tấp nập là thế, nhưng cũng chưa là gì so với chợ đầu mối nông sản Hòa Đình. Chợ này nằm ngay cửa ngõ thành phố Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km.

Theo các tiểu thương, đây là đầu mối trung chuyển hàng nông sản Trung Quốc lớn hàng đầu cả nước. Tại đây, hoạt động buôn bán nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc diễn ra rầm rộ, với những kho hàng lớn khổng lồ trên phố, những chuyến xe hàng ra vào rầm rập ngày đêm.

Trao đổi với PV, chủ cửa hàng L. (Võ Cường, TP. Bắc Ninh), nói rằng các loại củ quả ở phố này chủ yếu là hàng Trung Quốc. Mỗi ngày, các cơ sở bán buôn bán lẻ tiêu thụ cả trăm tấn nông sản Trung Quốc, phần lớn là hai loại hành khô, hành tây và tỏi.

“Riêng nhà tôi, dịp này chỉ buôn duy nhất 2 loại hành là hành tây và hành khô, với số lượng khoảng 40 tấn/ngày. Hàng từ Trung Quốc theo xe về tới đây rồi sang xe đi luôn các tỉnh khác ngay trong đêm. Chỗ hàng trong kho còn chỉ là hành bỏ mối nhỏ họ đặt nhưng chưa đến lấy được”.

{keywords}

Các bao tải hành ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc

Theo chủ cơ sở L., hành tây, hành khô ở phố này đều được các chủ cửa hàng nhập trực tiếp từ Trung Quốc rồi đánh về đây để bỏ mối cho các tỉnh khác.

“Từ đây, hàng lại đổ đi Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc,... rồi đi các tỉnh miền Trung, miền Nam. Ở Hà Nội, các mối ở chợ Long Biên, Hà Đông,... cũng về đây nhập hàng”, chủ cửa hàng L. cho hay. Nhà ông chỉ là cửa hàng nhỏ. Ở Hòa Đình, có những cơ sở lớn ngày bán hàng 200-300 tấn nông sản Trung Quốc.

Hành Việt giá rẻ cũng không buôn

Đặt vấn đề tại sao không nhập hành tím từ Sóc Trăng, hành tây từ Đà Lạt bởi hai loại hàng này đang có giá rất rẻ, chủ cửa hàng L. khẳng định: “Hành Việt giá rẻ cũng không buôn”.

Vị này giải thích, hành Việt chỉ có theo mùa (vào đầu năm) mà giá cả không ổn định, lúc thì cao chót vót, lúc thì giá rẻ như cho trong khi chi phí vận chuyển lại tốn kém. Ví dụ, một xe hàng đánh từ Trung Quốc về hết khoảng 3 triệu đồng chi phí vận chuyển, trong khi vào Đà Lạt hay Sóc Trăng nhập hàng giá vận chuyển phải đội gấp 7-8 lần.

Ngoài ra, chất lượng hành lại không thể bằng hành Trung Quốc. Như hành tây Đà Lạt chẳng hạn, giá rẻ nhưng vận chuyển về hay bị dập nát dẫn đến hao hụt nhiều. Trong khi đó, hành Trung Quốc sấy khô đanh rất dễ bảo quản. Đặc biệt, đội ngũ bốc dỡ hàng của họ rất chuyên nghiệp nên hàng về đây rất ít bị hỏng.

{keywords}

Mỗi ngày, riêng tại khu vực chợ Hòa Đình tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các mặt hàng hành khô, hành tây, tỏi

“Cách đây hai năm, tôi cũng thử vào nhập hành tây Đà Lạt về xuất sang Lào theo yêu cầu của khách nhưng không ăn thua. Sau khi về phân loại, hành phải bỏ đi rất nhiều, xuất đi không có lãi nên từ đó, tôi không buôn hành tây Đà Lạt nữa”, ông chủ cửa hàng L. nói.

Chị Oanh, đầu mối chuyên bỏ sỉ các mặt hàng hành, tỏi ở chợ đầu mối Long Biên, cũng thừa nhận, người dân mua về ăn lẻ thì mới thích hành ta chứ các nhà hàng, quán ăn họ thích hành Tàu hơn nhiều. Hành Trung Quốc dễ chế biến, dễ bảo quản hơn, giá ổn định chứ không lên xuống bấp bênh như hành Việt.

“Nhiều khi chị cũng muốn nhập hành của nông dân mình làm ra về chợ bán, nhưng nhập về rồi không bán được, hoặc bán được cũng bị các mối gọi điện phàn nàn thậm chí còn gửi trả nên chị cũng không dám mạo hiểm vì sợ mất mối”.

“Như những hàng bỏ buôn dưa hấu đầu cổng chợ ấy. Chẳng bao giờ họ nhập dưa ở các tỉnh miền Trung về để bỏ buôn mặc dù giá các loại dưa miền Trung rất rẻ. Họ nói khách không mua nên họ có muốn bán cũng chẳng được”, chị Oanh chia sẻ.

Vì thế, theo chị Oanh, hành tây và hành tím Việt Nam khó có thể chen chân được vào chợ, mặc dù giá nhiều khi còn rẻ hơn hành Trung Quốc.

Bảo Hân