Những năm 2005 - 2009, đại gia Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ, Tổng giám đốc Tập đoàn RAAS) liên tục xuất hiện tại Việt Nam, chụp ảnh cùng một số người đẹp là hoa hậu thế giới và ấp ủ những dự án (DA) đình đám. Vị này đã “vẽ” ra cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) năm 2010 tại Nha Trang, tiếp đó là điểm đến Tiền Giang.
Giờ đây, khi ông Trần Thanh Tiến - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch (CPDL) Tiền Giang - bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang công bố quyết định thi hành kỷ luật vì đã tích cực làm lợi cho Hoàng Kiều, thì chân tướng đại gia mới bị vạch trần khi DA từ thiện luôn đi kèm những bản kế hoạch “ăn đất” theo kiểu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”!
Đại gia chăm chăm gây chuyện "lỡm"
Về nước cuối năm 2005, với cái mác Việt kiều, lúc nào ông Hoàng Kiều cũng công khai ý nguyện muốn triển khai những chương trình từ thiện suốt cuộc đời, dự kiến mỗi năm dành 1 triệu USD để giúp quê hương xóa đói giảm nghèo và quảng bá hình ảnh Việt Nam đến toàn thế giới.
Vì thế ông dễ dàng tạo được sự tin tưởng với tỉnh Khánh Hòa, khi bày tỏ ý định thực hiện DA Ngàn Sao tại Đầm Bấy - Hòn Tre. DA được mô tả trên bờ sẽ là khu du lịch 5 sao với hàng trăm biệt thự, theo kiến trúc của 200 quốc gia; còn dưới nước là nhà hàng khách sạn chìm quy mô cực kỳ hoành tráng.
Ông Hoàng Kiều nổi tiếng vì tổ chức đưa nhiều cuộc thi hoa hậu quốc tế về Việt Nam |
Cùng với đó, ông Hoàng Kiều công khai ý tưởng thi công DA đường hoa trên đại lộ Nguyễn Tất Thành với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, để đón các hoa hậu đến tham dự cuộc thi HHTG năm 2010 tại Nha Trang.
Ngày 8-6-2009, ông Hoàng Kiều thực hiện lễ ký kết ghi nhớ về việc tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Việt Nam với bà Julia Morley - Chủ tịch Miss World, đồng thời công bố toàn bộ số tiền lãi thu được sẽ dành để làm từ thiện.
Thế nhưng, trong khi người dân trong nước và cả thế giới đang chuẩn bị kéo đến Nha Trang để xem thi HHTG thì vị đại gia bất ngờ công bố tâm thư, tự giới thiệu RAAS từ ngày về Việt Nam đã và đang thực hiện những chương trình từ thiện trên toàn quốc, với tổng chi phí hơn 100 tỷ đồng.
Rồi ông đổ lỗi cho báo chí, dư luận để lý giải cho nguyên nhân ngừng thực hiện DA “Ngàn Sao” và DA đường hoa trên đường Nguyễn Tất Thành, nhưng cam kết vẫn sẽ cùng UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tổ chức cuộc thi Miss World 2010, với quyết tâm và cố gắng tối đa nhằm mục đích từ thiện và quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn thế giới...
Điều đáng nói 100 tỷ chỉ là con số tự công bố, còn thực chất đồng bào nghèo nhận được bao nhiêu thì chẳng ai biết. Mặc dù vậy, nhiều người cũng hy vọng Miss World 2010 vẫn sẽ diễn ra tại Nha Trang.
Khách sạn Sông Tiền - vị trí vàng mà Công ty CPDL Tiền Giang sở hữu |
Đùng một cái, ngày 5-2-2010 UBND tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 590/UBND-VX báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ, về việc tỉnh này không tổ chức cuộc thi HHTG năm 2010.
Trong đó thể hiện ngày 21-9-2009, Công ty RAAS có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ “Chúng tôi xin thông báo cho UBND tỉnh Khánh Hòa được biết là chúng tôi sẽ xin phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để được tổ chức đêm chung kết tại Tiền Giang” (!).
Đây là việc làm đơn phương, không bàn bạc gì với UBND tỉnh Khánh Hòa”. Kết cục là sau Nha Trang thì sông Tiền và vùng đất cù lao Thới Sơn “dậy sóng”!
"Nuôi cò, cò... mổ mắt"
Trong khi chưa mang lại lợi lộc gì cho Tiền Giang thì đại gia Hoàng Kiều đã âm thầm “ẵm” gọn Công ty CPDL Tiền Giang và nhiều vị trí “đất vàng” đang thuộc sở hữu của đơn vị này. Công ty trên được cổ phần hóa sau quyết định 109/QĐ-UB ngày 12-1-2005 của UBND tỉnh Tiền Giang. Năm 2005 doanh thu công ty tăng lên 70,4 tỷ, chi trả cổ tức 11%, năm 2010 là 101,1 tỷ đồng...
Công ty cũng đang sở hữu hàng chục khách sạn, nhà hàng nổi tiếng như Nhà hàng Trung Lương, các khách sạn Sông Tiền, Hướng Dương, cùng 22.000m2 đất bờ biển có tiềm năng du lịch tại Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang... Tổng diện tích đất của công ty lên tới gần 60.000m2. Đó là chưa kể 165.531m2 diện tích mặt nước biển tại Tân Thành được UBND tỉnh Tiền Giang cho phép miễn tiền thuê.
Cù lao Thới Sơn được cải tạo “đón” cuộc thi Hoa hậu Thế giới (ảnh tư liệu năm 2010) |
Thế nhưng khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này chỉ được định giá vốn điều lệ 7 tỷ đồng, tương đương 700.000 cổ phần (CP) mệnh giá 10.000 đồng/CP. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang, từ năm 2006-2009, Công ty CPDL Tiền Giang có ba lần bán đấu giá cổ phần vốn Nhà nước ra bên ngoài và ông Tiến đều tham gia với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao là thành viên ban đấu giá.
Năm 2006, trong lần bán đấu giá 147.000 CP thuộc sở hữu Nhà nước ra bên ngoài, có 29 người tham gia mức sàn được xác định là 11.600 đồng/CP. Khi đó người trúng cao nhất là 60.100 đồng/CP, người thứ hai là 55.100 đồng.
Nhưng khi người trả giá cao nhất từ chối mua, ông Tiến và các thành viên trong hội đồng đã đề nghị cho đấu giá lại với mức sàn 45.100 đồng/CP. Lần này chỉ có đại gia Hoàng Kiều và một người nữa tham gia và ông Hoàng Kiều đã mua được với mức 45.200 đồng/CP, khiến Nhà nước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.
Đến tháng 2-2009, khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước bán đấu giá vốn sở hữu tại Công ty CPDL Tiền Giang lần thứ ba, thì ông Tiến chỉ sở hữu 140.000 CP, tương ứng 20%; ông Đoàn Văn Phương đại diện cổ đông Nhà nước giữ 70.000 CP, tương ứng 10%. Đại gia Hoàng Kiều lúc bấy giờ giữ 210.000 CP, tương ứng 30% và bà Đào Thị Lan Phương nắm giữ 238.000 CP, tương ứng 34%.
Trong lần đấu giá thứ ba này, 210.000 CP của Nhà nước do hai ông Tiến, Phương đại diện nắm giữ được bán với mức khởi điểm 31.000 đồng/CP và kết quả là ông Hoàng Sammy Hùng (con trai Hoàng Kiều) trúng với giá 36.000 đồng/CP.
Tiếp đó, cha con ông này tiếp tục thu gom CP ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên công ty và CP phát hành lần đầu để trọn quyền nắm giữ công ty. Thời điểm năm 2009, ông Tiến giữ 2.940 CP ưu đãi khi cổ phần hóa nhưng sau đó cũng đã bán hết cho ông Hoàng Kiều rồi giữ chức chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thuê cho gia đình này. Sau những lùm xùm, được biết gia đình Hoàng Kiều đã bán hết CP cho người khác, nhưng giá trị thương vụ này là bao nhiêu thì không ai biết.
(Theo CA TP.HCM)