- Chính sách thúc đẩy tiêu thụ của Việt Nam hiện nay vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành lại yếu, khi có sự việc xảy ra như ách tắc hàng hóa thì các bộ “đá bóng” trách nhiệm rất giỏi.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” tổ chức mới đây.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), liên kết 4 nhà để tiêu thụ nông sản được ví như một dàn nhạc giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, song, dàn nhạc có chơi hay hay không còn phụ thuộc vào các nhạc công.
Ông Thừa cho rằng, ngoài việc xây dựng quy hoạch chính sách tốt nhưng quan trọng là triển khai thế nào và thực hiện ra sao. Thời gian vừa qua, nhiều ngành nông nghiệp quy hoạch bị phá vỡ. Đơn cửa như cà phê chỉ quy hoạch 500.000 ha nhưng nay đã lên hơn 650.000 ha. Tương tự, cây cao su chúng ta cũng phá vỡ quy hoạch.
Nông dân Việt Nam đang đối diện với cảnh nông sản “được mùa mất giá” |
“Đặc thù của nông dân ta khi thấy lợi nhuận trước mắt ham, chặt cây này trồng cây khác dẫn đến vỡ quy hoạch và đã phải nhận những bài học đắt giá”, ông Thừa nói.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng nhận định, một trong những điểm mấu chốt là các chính sách thúc đẩy tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay đủng đỉnh, xử lý khi có sự việc thì hấp tấp.
Ông Dũng dẫn chứng, Quyết định 80 về liên kết bốn nhà, sau hơn 12 năm triển khai vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đến nay, liên kết vẫn còn lỏng lẻo. Nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả khi có những biến động thị trường.
Đến khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thì cơ quan chức năng lại xử lý khá hấp tấp, vội vàng. Từ đó có thể thấy, mô hình sản xuất đã có nhiều thay đổi nhiều nhưng các chính sách đi kèm chưa thay đổi hoặc khá chậm.
“Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương hiện rất yếu, trong khi có sự việc xảy ra như ách tắc hàng hóa thì các bộ “đá bóng” trách nhiệm rất giỏi. Một trong những bất cập không thể không nhắc tới là quy hoạch sản xuất nông sản đã có nhưng không hề có cơ chế xem làm sai quy hoạch thì ai bị phạt, phạt như thế nào. Thực tế hiện nay là ai vẽ quy hoạch cứ vẽ, ai làm cứ làm”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bền vững, ngoài làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp giữa các bộ, ngành, khâu xúc tiến thương mại vô cùng quan trọng.
Chúng ta cần có chính sách xã hội hóa ngành hàng làm xúc tiến thương mại. Ví dụ, Nhà nước quy định mỗi một kg cá tra xuất khẩu sẽ thu lại 1 cent để cho vào quỹ, phục vụ việc xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp ứng ra và thu lại. Còn nếu chỉ nhìn vào ngân sách Nhà nước khoảng 5 triệu đôla thì khó đạt được tính chuyên nghiệp, hiệu quả, ông cho hay.
Bảo Hân