Theo nhiều nhận định, Hoàng Anh Gia Lai của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đang gặp nhiều thách thức đến từ việc giá cao su tuột dốc, cạnh tranh gay gắt trong ngành mía đường...

Có thể thấy những khó khăn trong công việc kinh doanh của bầu Đức được thể hiện tương đối rõ ràng. Do công nợ phải thu từ phía khách hàng tăng lên, cộng thêm các khoản tạm ứng cho dự án xây dựng sân bay Attapeu tại Lào. Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn cho các công ty khác vay vốn tín chấp với lãi suất 10 - 15% một năm trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm.

Vì thế, năm 2014, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn là 1.556 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 2 năm trước, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại liên tục bị âm.

Nhìn vào doanh thu, cơ cấu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai thay đổi liên tục trong vòng 4 năm trở lại đây như, bất động sản chuyển dịch sang sản xuất trồng bắp, nuôi bò thịt, sản xuất mía đường, mủ cao su.

Không những vậy, Hoàng Anh Gia Lai gần như chuyển phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tập trung tại Lào, Campuchia, Myanmar. Tuy chịu rủi ro về luật pháp ở các nước bản địa nhưng Hoàng Anh Gia Lai cũng tối ưu hóa lợi ích nhờ hai yếu tố là nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú.

{keywords} 

Theo con số Hoàng Anh Gia Lai đưa ra, giá thành đường sản xuất tại Lào chỉ từ 6.600 đồng một kg, năng suất khoảng 8,2 tấn đường một ha. Thuế suất ưu đãi cho đường mía đối với mặt hàng sản xuất từ ASEAN chỉ 5% từ 2015 - 2017 và 0% đến năm 2018 (theo cam kết quốc tế về hội nhập).

Liệu sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai có cạnh tranh được với hàng Thái Lan không khi hiệu suất khai thác đường từ mía thấp hơn 25%?

Chưa kể, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải cạnh tranh với đường trong nước khi đưa sản phẩm về Việt Nam bán. Khoản thặng dư 70-80 tỷ đồng từ kinh doanh đường trong năm 2015 vì thế cũng không thể dễ dàng mà có như dự tính của Hoàng Anh Gia Lai.

Cũng trầy trật không kém nông nghiệp, với bất động sản doanh nghiệp này cũng đang trong vòng luẩn quẩn. Thời điểm 2009 -2010 là đỉnh cao của kinh doanh bất động sản ở Việt Nam và ngành kinh doanh này trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” của Hoàng Anh Gia Lai khi doanh số bán nhà chiếm trên 50% tổng doanh thu.

Khủng hoảng sâu rộng của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2011 đã khiến tập đoàn thoái lui khỏi Việt Nam và chuyển sang điểm nóng đầu tư khác trên bản đồ thế giới - Myanmar. Nhưng giá nhà đất tại Myanmar tăng chóng mặt lên từng ngày.

Quyết định đầu tư vào Myanmar tại thời điểm bất động sản Myanmar đang ở chu kỳ bùng nổ không khác nhiều so với quyết định kinh doanh cao su và mía đường của tập đoàn.

Trên thực tế, ngành nghề nào đều có tính chu kỳ và không phải doanh nghiệp nào cũng hái được quả ngọt nếu bị lệch pha giai đoạn tăng trưởng ngành. Năm 2012, khi lứa cao su đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai đến vụ thu hoạch cũng là thời điểm giá mủ cao su thế giới đạt đỉnh đến 5.000 - 6.000 USD một tấn, trong khi giá thành sản xuất chỉ từ 1.200 -1.400 USD một tấn.

Theo ước tính, mỗi năm Hoàng Anh Gia Lai có thể khai thác được 127.500 tấn mủ cao su và có thể thu về khoản lợi nhuận kếch xù nhờ vào tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 76%. Thế nhưng, sau đó giá mủ cao su tụt dốc liên tục suốt 3 năm và hiện tại chỉ đạt quanh mức 1.500 USD một tấn.

Doanh thu và lợi nhuận “khủng” dự tính từ trước đã lao dốc khiến cho việc khai thác mủ cao su gần như chỉ hòa vốn.

Theo nhiều nhận định, may mắn chưa thực sự mỉm cười với Hoàng Anh Gia Lai khi tham gia ngành mới vào đỉnh sóng và lặng lẽ ra đi vào đáy sóng. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt hợp tác với Nuti Food, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp đầy thách thức nhưng khá hứa hẹn.

Với tư tưởng “dám nghĩ dám làm” của bầu Đức, kiên nhẫn chờ đợi kết quả có lẽ là điều mà cổ đông của tập đoàn cần phải có vào lúc này.

(Theo Diễn Đàn Doanh nghiệp)