- Suốt 2 ngày nay, cộng đồng Facebook sục sôi về việc sử dụng hoá đơn thuế giá trị gia tăng, khi phát hiện ra rằng, mình bị nhiều nhà hàng qua mặt móc túi và trốn thuế.
Câu chuyện bắt đầu với status kêu gọi "Hãy đòi hoá đơn khi bạn bị trừ thuế" của Facebooker Nguyễn Thu Trang.
Đừng tiếp tay cho trốn thuế
"Hôm qua mát giời nên cả nhà rủ nhau đi ăn ở quán lẩu nấm Ashima 182 Triệu Việt Vương. Ăn xong lúc thanh toán lại thấy bill (tờ giấy nhỏ nhà hàng tự in, không dấu má gì sất) có trừ 10% tiền thuế. Mình không hài lòng với điều này nên bắt nhà hàng in hoá đơn... ". Như rất nhiều các status của cộng đồng mạng, chủ trang Facebook Nguyễn Thu Trang đã có một sự bức xúc không hề nhẹ khi kể về cuộc tranh cãi với nhà hàng nọ.
Theo chủ trang này, khi được yêu cầu ghi trên hoá đơn, thì "bạn nhân viên khá lúng túng"... và đưa rất nhiều lý do cho việc trì hoãn xuất hoá đơn, như “chị thông cảm bên em không có mẫu để xuất hoá đơn khách lẻ”, “nếu chị muốn lấy thì qua tổng bên em ở 36 Hoàng Cầu", hoặc "không có địa chỉ nên không xuất được hoá đơn".
Tranh cãi lên tới đỉnh điểm và câu chuyện cũng trở nên hấp dẫn khi Facebooker này cứng rắn hơn: "Mình cười nhạt, sau đó mở máy, lên mạng search số điện thoại đường dây nóng của lực lượng liên ngành 389 chuyên phòng chống gian lận thương mại (SĐT: 0981.389.389). Rồi giải thích với bạn nhân viên, bên bạn như vậy là có dấu hiệu gian lận thuế. Nghĩa vụ của mình là tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Status kêu gọi "Hãy đòi hoá đơn khi bạn bị trừ thuế" của Facebooker Nguyễn Thu Trang. |
Đúc kết lại, facebooker Thu Trang nêu 4 điểm lưu ý về giá trị pháp lý của hoá đơn thuế GTGT. Cô nhấn mạnh, "nếu người bán trốn tránh nghĩa vụ xuất hoá đơn cho bạn hoặc bạn nghĩ đơn giản là không khấu trừ được thuế thì lấy hoá đơn làm gì thì hệ quả sẽ là, 10% tiền thuế bạn đã "đóng" (cho Nhà nước và người bán chỉ là người thu hộ - PV) sẽ có khả năng chui vào túi người bán, người bán sẽ có khả năng trốn luôn được cả tiền thuế thu nhập doanh nghiệp".
"Như vậy, chỉ với giá trị hàng hoá, dịch vụ 200.000 đồng, người bán đã có khả năng ăn chặn được 60.000 đồng từ Nhà nước và người mua hàng", vị này tính toán.
Trong khoảng 2 ngày, bài viết này đã có tới 11.039 người like (thích) và 7.967 lượt share (chia sẻ) với hàng trăm lời comment (bình luận) ủng hộ.
Một vấn đề tưởng nặng về lý thuyết kế toán như chiếc hoá đơn VAT bỗng trở thành mối quan tâm lớn. Sau những phân tích thấu tình đạt lý của Thu Trang, hàng nghìn người mới nhận ra rằng, bấy lâu nay, mình đã bị qua mặt hoặc tiếp tay cho các nhà hàng có khả năng trốn thuế. Và giá trị của hoá đơn VAT lại liên quan mật thiết tới đời sống dân sinh như vậy.
"Đi ăn ở đâu cũng tự động trừ thuế :)) nhưng mà dân mình chả ai nói gì, nhiều lúc nghĩ ít thế thôi khỏi nói cho xong", một thành viên tên Tuyết Trần than thở.
Thành viên Dương Vân Anh thốt lên: "Trời. Vậy là mình toàn bị ăn chặn tiền thuế à. Đi đâu hoá đơn vẫn trừ 10% thuế mà có xuất hoá đơn đỏ đâu chứ. Hic".
Không chỉ Lẩu nấm Ashima, hàng loạt các nhà hàng có thói quen tính thuế nhưng không chủ động xuất hoá đơn, hoặc khi xuất thì đòi hỏi khách phải có đầy đủ thông tin đã bị bêu tên, điển hình như City beer, My Way, Thai Express Vietnam, quán Ngon, Sumo, BBQ, Vuvuzela,...
Như phản ánh của Kat Xyk: "Golden gate và Red sun là 2 chuỗi nhà hàng lớn chuyên làm trò này, ai ăn cũng tính thêm VAT,... ai biết đòi hoá đơn thì viết không thì quên luôn".
Sự dễ dãi của người tiêu dùng
Tuy nhiên, cũng không ít người đã thừa nhận, ít khi để ý vấn đề tưởng nhỏ mà không phải nhỏ này. Thậm chí, kể cả khi các nhà hàng đã viết giấy hẹn ngày lấy hoá đơn thì nhiều người dân cũng không trở lại lấy.
Như face booker Thuỳ Vũ bình luận: "Quán nào cũng thế thôi, mình đi ăn hầu như 100% mất 10% thuế VAT và lắm nơi mất 5% phí phục vụ, nhưng ăn dưới 1 triệu thì hầu như thoải mái cho qua, ăn trên thì 1 triệu thì mới lấy hoá đơn về cho công ty chồng.
Một số thành viên khác thì chia sẻ kinh nghiệm, "cứ lấy hoá đơn dù chẳng để làm gì".
Câu chuyện của Thu Trang đụng ngay nỗi bức xúc của khá nhiều người tiêu dùng khi đã từng rơi vào trường hợp không đủ lý lẽ để "bẻ" lại những nhà hàng không chịu xuất hoá đơn VAT.
Vốn là dân từ học Luật, Thu Trang còn dẫn lại trên trang của mình các văn bản chính sách về thuế GTGT.
Chị đã đúc kết các lưu ý cơ bản nhất: "1. Khi cung cấp dịch vụ hoặc bán hàng hoá sản phẩm có giá trị dưới 200.000 đồng là người cung cấp hoặc người bán có nghĩa vụ phải xuất hoá đơn theo yêu cầu của khách hàng. 2. Khi cung cấp dịch vụ hoặc bán hàng hoá sản phẩm có giá trị từ 200.000 trở lên là là người cung cấp hoặc người bán có nghĩa vụ phải xuất hoá đơn kể cả khi khách hàng không yêu cầu. 3. Hoá đơn đó sẽ là căn cứ để Nhà nước thu thuế GTGT từ người bán (người bán chỉ thu hộ thuế GTGT cho Nhà nước khi khách hàng trả tiền thuế này) và đồng thời là căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thường trên 20%).
Vị chủ trang kêu gọi, vì lợi ích của Nhà nước, của mỗi cá nhân, hãy cùng chị lên án hành vi này của những doanh nghiệp gian lận.
Phạm Huyền