Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai). Báo cáo mới nhất của Chính phủ về dự án này một lần nữa giải thích rõ hơn về cho các vấn đề đang tranh cãi hiện nay.

Giảm vốn nhờ tính theo giá nội địa

Báo cáo mới nhất của Chính phủ, do Bộ GTVT thay mặt Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, tổng vốn dự án sân bay Long Thành cho cả 3 giai đoạn từ 2018-2050 đã giảm từ 18,7 tỷ USD xuống 15,8 tỷ USD, giảm 2,9 tỷ USD,

Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2018-2025, vốn đầu tư giảm mạnh nhất, từ 7,8 tỷ USD xuống 5,2 tỷ USD, tương đương 109.970 tỷ đồng. Tỷ lệ giảm lên tới 33%.

Cắt nghĩa sự tính toán chênh lệch so với trước đây, Bộ GTVT cho biết, ở giai đoạn 1, dự án chỉ đầu tư 1 đường hạ cất cánh hay vì 2 đường như báo cáo ban đầu.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.

Đồng thời, suất đầu tư tính lại theo đơn giá xây dựng của các dự án trong nước và khu vực như Nhà ga hành khách quốc tế T2, sân bay Nội Bại, cảng hàng không Manila Ninoy Aquio, Philippines, sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, hay sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, thay vì tính theo đơn giá của Nhật Bản. Nhờ đó, kinh phí giảm tới 1,05 tỷ USD.

Riêng việc tính lại theo đơn giá của các nước Đông Nam Á, hạng mục san nền, thi công đường trục, hầm kỹ thuật, áo đường, trạm xử lý nước thải của sân bay Long Thành đã giảm tới 808,8 triệu USD, chiếm 41% số vốn giảm xuống.

Cùng đó, việc giảm tới 45% diện tích từ 5.000ha theo quy hoạch xuống 2.750 ha đất dành cho hàng không dân dụng đã giúp dự án giảm 535,04 triệu USD chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư. Sau rà soát, Bộ GTV đã loại bỏ 426,9 triệu USD hạng mục đầu tư theo phương án xã hội hoá trong tổng mức đầu tư giai đoạn 1.

Báo cáo cho biết, tổng mức đầu tư này thấp hơn nhiều so với con số 9,2 tỷ USD nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và 7,5 tỷ USD nếu cải tạo sân bay quân sự Biên Hoà thay cho sân bay mới Long Thành.

Tuy nhiên, Bộ GTVT nhấn mạnh, do dự án chỉ ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên con số trên chỉ là giá trị khái toán, xác định sơ bộ và mang tính tham khảo.

Nhật, Hàn, Pháp quan tâm đầu tư

Về câu hỏi cơ chế tài chính đầu tư dự án, Bộ GTVT cho hay, dự án sẽ huy động vốn hỗn hợp.

Giai đoạn 1, vốn ngân sách chỉ chiếm 11,1% để dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình cho cơ quan quản lý Nhà nước, với số tiền ước 12,149 tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ phân bổ khoản vốn này trong 3 năm, mỗi năm 4.000 tỷ đồng nên có thể cân đối được.

{keywords}
Nhiều nguồn vốn tập trung xây cảng hàng không mới.

Nguồn vốn ODA sẽ chiếm 26,5% tổng vốn dự án giai đoạn 1, ước 29.177 tỷ đồng, dự kiến dùng cho các hạn mục khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.

Còn lại, chiếm 62,4% tổng vốn dự án là vốn ngoài ngân sách, ước khoảng 68.644 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn vốn này để đầu tư cho các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại.

Bộ GTVT tiết lộ, nhiều đối tác nước ngoài đang quan tâm dự án như ADP của Pháp, Tập đoàn Samsung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, một số Tập đoàn của Nhật Bản... Trong đó, ADP đã đề nghị cụ thể đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỷ USD từ ngân hàng cho dự án này.

Liên quan đến nợ công, Bộ GTVT cho hay, ở phương án NSNN cân đối đủ, tác động lớn nhất là 0,22% GDP vào năm 2024-2025, phương án NSNN không cân đối được, phải vay để đóng góp cho dự án thì tác động lớn nhất chỉ là 0,28% GDP. Như vậy, ảnh hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể.

Phạm Huyền