Với những tội phạm về kinh tế, thay vì phạt tù tòa án có thể phạt tiền thật nặng, như thế vừa nhân đạo vừa đủ sức răn đe.
Mới đây, TAND TP.HCM đã sửa hình phạt cho bị cáo Lê Thị Có từ sáu tháng tù giam thành hình phạt tiền hơn 375 triệu đồng. Ngoài hình phạt này, bị cáo còn phải nộp số tiền trốn thuế hơn 375 triệu đồng cho Nhà nước. Trước đó, bị cáo Có kháng cáo xin hưởng án treo vì tuổi già sức yếu không thể thi hành án tù.
Sơ thẩm phạt tù, phúc thẩm phạt tiền
Theo hồ sơ, ngày 11-6-2013, công an kinh tế phát hiện Công ty TNHH Thương mại, Sản xuất, Vận tải, Xuất nhập khẩu Thiên Long Cole Harry đã mua bán 2.000 thùng sữa Ensure do Mỹ sản xuất với tổng giá trị hơn 1,4 tỉ đồng nhưng không có hóa đơn, chứng từ và báo cáo thuế theo quy định. Công ty này do bị cáo Có làm giám đốc kinh doanh. Từ đó cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính. Theo kết luận giám định thuế, công ty này đã có hành vi trốn thuế hơn 375 triệu đồng nên VKS đã truy tố bà Có về tội trốn thuế theo khoản 2 Điều 161 BLHS.
Tại phiên tòa sơ thẩm, công tố viên đề nghị TAND quận 11 phạt bị cáo 6-9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và phạt tiền gấp hai lần số tiền đã trốn thuế. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định xử phạt bị cáo Có sáu tháng tù giam và buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã trốn thuế.
Quá trình thụ lý phúc thẩm, bị cáo nhiều lần đến tòa mong được hưởng án treo. Thẩm phán hướng dẫn bà trước tiên muốn gì bà cũng phải nộp lại ngân sách số tiền đã trốn thuế để làm tình tiết xem xét giảm nhẹ. Sau đó, khi xử phúc thẩm, tòa đã chuyển hình phạt cho bị cáo từ phạt tù sang phạt tiền như đã nói trên.
Nói về vụ án, chủ tọa phiên phúc thẩm cho biết bị cáo Có ngấp nghé 60 tuổi, bệnh tật triền miên và có khắc phục một phần hậu quả như hướng dẫn. Đó là lý do HĐXX cân nhắc sửa án. “Giam tù một bị cáo già yếu, bệnh tật, phạm tội về kinh tế còn tốn hao hơn là xử phạt bằng cách đánh nặng vào túi tiền của bị cáo, như thế Nhà nước vừa thu được số tiền thất thoát, vừa có thêm một khoản tiền phạt. Vì vậy, HĐXX không sửa án theo hướng cho bị cáo hưởng án treo mà dùng hình phạt tiền là hình phạt chính với số tiền bằng số tiền trốn thuế. Khoản 2 Điều 161 BLHS về tội trốn thuế có quy định phạm tội trốn thuế với số tiền từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo tôi, việc sửa án theo hướng đánh mạnh vào kinh tế ích nước lợi nhà hơn xử giam bị cáo này” - vị thẩm phán này nói.
Nhân đạo và có lợi hơn
Nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng đồng tình với phán quyết phúc thẩm vụ án này. Ông Hùng phân tích với tội phạm về kinh tế, luật quy định hai hình phạt chính là phạt tù hoặc phạt tiền. Việc phạt tiền là đánh vào kinh tế và trong nhiều trường hợp cũng đủ tác dụng trừng trị, răn đe và phòng ngừa.
“Trong một số trường hợp, áp dụng hình phạt tiền còn tạo điều kiện để người phạm tội được tiếp tục cống hiến, làm ra các giá trị kinh tế cho xã hội. Chính sách này nhân bản hơn và Nhà nước sẽ giảm được chi phí liên quan đến hoạt động giam giữ. Bỏ tù người phạm tội khi họ đang là giám đốc một doanh nghiệp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều người mất công ăn việc làm... Trong khi nếu tiếp tục để họ kinh doanh, người giám đốc đó có thể đem lại lợi ích cho xã hội, cho nhiều người” - ông Hùng nói.
Đồng tình, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) nói tăng cường hình phạt tiền (là hình phạt chính) trong một số tội danh là xu thế chung của pháp luật hình sự nước ta khi tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội được ổn định, phát triển. “Tôi cũng mong Quốc hội cân nhắc thêm mức khởi điểm gây thiệt hại của hành vi vi phạm của một số tội danh được nâng lên cao hơn thì mới đến mức gây nguy hiểm cho xã hội và cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Ví dụ, tội kinh doanh trái phép nên nâng mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự từ 100 triệu đồng như hiện nay lên 300 triệu đồng chẳng hạn” - Thẩm phán Long nói.
Mở rộng phạt tiền làm hình phạt chính Dự thảo BLHS sửa đổi quy định tiền là hình phạt chính lên 115 khoản so với 76 khoản của BLHS hiện hành. Đồng thời, dự thảo này cũng quy định trường hợp người phạm tội chây ì, cố tình không nộp phạt thì sẽ bị chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù. Theo dự thảo, đối với phạt tiền là hình phạt chính (Điều 34): Mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng (cao nhất bảy năm tù). Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng (cao nhất 15 năm tù). Đồng thời trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn nếu đó là hình phạt chính. Một số vụ phạt tiền thay phạt tù - Tháng 5-2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã áp dụng hình thức phạt tiền tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Pha 50 triệu đồng sung công quỹ nhà nước về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bị cáo Pha (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gia Đào) bị phát hiện đã tổ chức cho công nhân gia công hơn 19.000 chiếc quần jean gắn nhãn hiệu Levi’s và gắn mác xuất xứ Mexico. Nếu tính theo giá bán trực tiếp cho khách hàng thì lô hàng có giá gần 32,8 tỉ đồng. - Tháng 6-2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh, chủ tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh (quận Tân Bình), 30 triệu đồng về tội kinh doanh trái phép. Ngoài hình phạt tiền, tòa tuyên tịch thu sung công quỹ số ngoại tệ giao dịch trái phép... Dù không được cấp giấy phép kinh doanh thu mua ngoại tệ nhưng bị cáo Minh vẫn thu mua ngoại tệ với giá thấp hơn giá Ngân hàng Nhà nước niêm yết để hưởng tiền chênh lệch. Đến ngày 19-11-2013, công an phát hiện bị cáo và nhân viên đang thu mua 83.300 USD và 255 đôla Úc (tương đương 1,77 tỉ đồng). |
(Theo PLO)