- Quy định từ 1/7 tới đây các dự án mở bán buộc lòng phải bỏ tiền mua bảo lãnh ngân hàng, tuy nhiên chính mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư sẽ quyết định rất lớn tới mức phí này.
Thời điểm 1/7 đang tới gần nhưng cho tới nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang lo ngại bởi chưa có hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, CTCP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu cho hay, các doanh nghiệp đang phân vân ngân hàng sẽ bảo lãnh tín chấp hay thế chấp. Lý do ông Hiệp đưa ra là không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản thế chấp, dự án cả nghìn tỷ, chính vì thế mức phí bảo lãnh này thế nào.
Bên cạnh đó, theo quy định của ngân hàng, rủi ro càng lớn phí bảo lãnh càng cao.Nếu doanh nghiệp có đủ uy tín thì phí bảo lãnh phải càng thấp. Nghị định hướng dẫn thật rõ thì càng dễ thực hiện và bảo đảm được.
“Tôi nghĩ rằng trong hướng dẫn Luật cần đề rõ phí bảo lãnh là bao nhiêu. Ví dụ 1m2 là 25 triệu thì phí bảo lãnh 70% giá đó. Phí bảo lãnh ít thì người mua nhà cũng yên tâm hơn. Chúng tôi cho là thị trường sẽ rất minh bạch. 8 triệu đồng phí bảo lãnh cho căn nhà 2,5 tỷ đồng thì không đáng là bao nhiêu. Trước mắt tôi cho rằng không quá ảnh hướng đến thị trường, nhưng phải làm thế nào để người mua nhà hiểu”, ông nói.
Mua bảo lãnh để đảm bảo quyền lợi người mua nhà |
Đánh giá về quy định này, ông Vũ Văn Phấn, Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, cho rằng, quy định ngân hàng bảo lãnh dự án BĐS là để phục vụ lợi ích của số đông người dân, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng “quýt làm cam chịu”.
Thực tế, các ngân hàng đã thực hiện bão lãnh lĩnh vực tương tự. Nay đưa vào Luật rồi thì cần phải thực hiện cụ thể và chặt chẽ hơn. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo tiền của khách hàng đã đóng được sử dụng như thế nào, báo cáo mục đích sử dụng số tiền đó và báo cáo tiến độ dự án với cả ngân hàng và khách hàng.
Thời gian qua, do thị trường BĐS quá nóng và có tình trạng khách hàng không đọc kỹ hợp đồng và có tình trạng chủ đầu tư để các điều khoản có lợi cho mình. Nhưng tình hình hiện nay, bản thân các chủ đầu tư mong muốn thực hiện tốt mọi trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi khách hàng chứ không phải chủ đầu tư mong muốn xảy ra việc chậm tiến độ hoặc không thực hiện được dự án của mình.
Chọn mặt gửi vàng
Theo ông Vũ Văn Phấn, ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chỉ định một số ngân hàng có năng lực để bảo lãnh. Chủ đầu tư có uy tín và hạn mức tín dụng tốt thì phí bảo lãnh thấp, ngược lại năng lực chủ đầu tư và tính khả thi dự án thấp thì phí bảo lãnh cao.
Dựa theo năng lực từng chủ đầu tư sẽ có mức phí khác nhau |
Dưới góc độ ngân hàng, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN chia sẻ, đây là loại bão lãnh có mức độ rủi ro khá cao, vì về bản chất, đây là việc ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ bàn giao nhà đúng tiến độ. Trong khi đó, tiến độ bàn giao phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài sự kiểm soát của ngân hàng như khả năng tài chính của chủ đầu tư, việc tổ chức thi công của nhà thầu, giám sát công trình... Thực tế vừa qua cho thấy, bên cạnh các dự án chủ đầu tư thực hiện đúng tiến đố, còn nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.
Đại diện NHNN cho rằng, việc xác định mức phí này do các bên thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường, phụ thuộc vào phụ thuộc vào mức độ rủi ro của từng dự án, năng lực của chủ đầu tư, mức độ cạnh tranh trên thị trường...
Theo đó, đối với những dự án khả thi, chủ đầu tư được đánh giá có độ tín nhiệm cao,… thì đương nhiên sẽ phải trả mức phí bảo lãnh thấp hơn so với những dự án được ngân hàng đánh giá, thẩm định có độ rủi ro cao hơn.
Hiện nay, mức phí bảo lãnh nói chung các ngân hàng đang áp dụng dao động từ 0,5-3%/năm tùy thuộc vào thẩm định dự án, xếp hạng tín dụng của ngân hàng đối với từng khách hàng. Mỗi loại hình bảo lãnh có độ rủi ro khác nhau thì mức phí bảo lãnh cũng khác nhau.
D.Anh