- Vừa định mở thêm quán trà đá cho cô em dâu, thế mà 3 ngày nay, hơn chục mối chuyên phân phối kẹo cao su, kẹo lạc lũ lượt kéo đến “đặt gạch” chị Đào - chủ quán trà đá ở phố Ngọc Hà (Ba Đình). Lượng lớn kẹo cao su được bán tại đây khiến các hàng trà đá rất được cưng chiều.

“Con cưng” được chăm sóc tận tình

Bà Lê Thị Nhân bán trà đá tại khu vực trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội gần 6 năm nay. Quán nhìn thì tạm bợ nhưng bà kể được mấy cậu hàng kẹo cao su chăm sóc rất tận tình. Hàng ngày, kẹo được giao tận nơi, bà không mất công đi lấy.

Bà Nhân cho hay, các đại lý bánh kẹo, hàng tạp hóa ở Hà Nội đôi khi muốn lấy kẹo cao su về bán còn phải điện thoại gọi đôi ba lần, nhưng với dân bán trà đá như bà thì ngược lại. “Các cậu ấy luôn chủ động gọi hỏi thăm để đem đến tận nơi chứ không đợi tôi gọi điện báo”, bà Nhân nói.

Bà Nhân cũng chia sẻ, một ngày bình thường bà bán hết khoảng 8-9 túi kẹo cao su, đó là chưa kể kẹo lạc, kẹo dồi nên mối phân phối kẹo tại quán cho bà thường quà cáp rất chu đáo vì sợ bà đi lấy hàng của mối khác.

{keywords}

Với mạng lưới phân phối dày đặc cộng với số lượng kẹo cao su tiêu thụ lớn, trà đá vỉa hè được coi là con cưng của hàng kẹo

Chị Chu Thị Đào bán trà đá ở phố Ngọc Hà (Ba Đình),cũng cho biết, các quán trà đá vỉa hè ở Hà Nội luôn được coi là khách vip, là con cưng của hàng kẹo cao su.

“Hôm trước vừa nói chuyện rằng có ý định mở thêm một quán trà đá cho cô em dâu ở quê lên, thế mà 3 ngày nay đã có khoảng hơn chục mối chuyên phân phối kẹo cao su, kẹo lạc đến trước “đặt gạch”. Mối nào cũng đon đả hứa sẽ có nhiều ưu đãi”, chị Đào kể.

Theo lời chị Đào, quán trà đá của chị có lượng khách khá đông. Hầu hết khách đều tạt vào quán trà đá để “tám chuyện” hay chờ đợi bạn bè nên ngoài gọi cốc nước thì gọi thêm 1-2 cái kẹo cao su, kẹo lạc, đĩa hạt hướng dương. Đến lúc trả tiền, nếu lẻ 1.000-2.000 đồng khách cũng yêu cầu lấy kẹo luôn. Nhờ đó, lượng kẹo bán ra tại quán trong một ngày tương đối lớn.

“Đặc biệt, vào ngày cuối tuần, khách tham quan đông. Những hôm như thế, kẹo cao su, kẹo lạc bán ra hết 20-30 túi. Với số lượng bán ra như thế các quán trà đá còn được dân phân phối kẹo coi trọng hơn cả cửa hàng tạp hóa”, chị Đào nói.

Chị Đào giải thích, Hà Nội có hàng vạn quán trà đá bán khắp phố phường, từ cổng trường học đến chợ, bệnh viện... phố lớn phố nhỏ, ngõ lớn ngõ nhỏ đâu đâu cũng thấy quán trà đá vỉa hè. Đây được coi là lực lượng hùng hậu, mạng lưới dày đặc để bán các mặt hàng như kẹo cao su, kẹo lạc, hạt hướng dương... 

Thế nên, quán trà đá vỉa hè nghiễm nhiên trở thành con cưng của các đầu mối phân phối và lúc nào cũng được phục vụ tận nơi.

Đánh nhau giành quyền giao hàng

Chị Đào cũng cho biết, để giành và giữ được thị phần phân phối kẹo tại quán trà đá vỉa hè, các mối phân phối cũng dùng đủ các chiêu như: tặng quà, lấy giá ưu đãi, trích phần trăm hoa hồng,...

Chị bảo, thỉnh thoảng, cậu phân phối kẹo cao su lại đem quà đến. Khi thì cái thẻ điện thoại, khi thì cái quạt điện, gói đường, hay một năm đôi ba lần cậu ấy lại trích cho một vài trăm nghìn bảo là tiền hoa hồng.

{keywords}

Nhiều khi để giành được thị phần phân phối kẹo, các mối còn đánh nhau đến mức đổ máu

“Các cậu ấy cũng phải làm vậy để còn lấy đường đi lại, tránh bị mối khác giành mất”, chị Đào chia sẻ.

Thậm chí, để giành quyền phân phối, các mối còn đánh nhau đến đổ máu, chị Nguyễn Thị Thoa bán trà đá gần Bệnh viện E cho hay. Chị Thao kể, cách đây khoảng hơn 2 tháng, một cậu thanh niên khoảng 28 tuổi đến đây bắt chuyện với các chủ quán trà đá, ngỏ lời muốn nhận phân phối kẹo cao su. Thế mà không biết ai nói đến tai cậu Lân (mối phân phối cũ). Hôm sau cậu ấy ngồi rình thanh niên kia bằng được rồi đánh chảy cả máu đầu.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Thành, một mối chuyên phân phối kẹo cao su tại khu vực Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), nói rằng mặc dù quán trà đá vỉa hè thuộc diện buôn bán nhỏ lẻ nhưng lượng tiêu thụ kẹo rất lớn. Một ngày, một quán trà đá bán hết lượng kẹo cao su bằng cả tuần ở đại lý hay hàng tạp hóa.

Đặc biệt, với mạng lưới phủ sóng dày đặc, trà đá vỉa hè đang là hệ thống phân phối kẹo cao su siêu lớn, với đủ thương hiệu quốc tế mà khó có mặt hàng nào sánh kịp. Chẳng hạn, các loại kẹo cao su được bán khá nhiều là Doublemin của tập đoàn Wrigle (Mỹ), Lotte Xylitol của Lotte (Hàn Quốc), Happydent và Big Babol của Perfetti Van Melle (Mỹ) và Trident cũng được nhập từ Mỹ,...

Còn về chuyện tặng quà, trích phần trăm tiền hoa hồng, thậm chí đánh nhau để giành quyền phân phối, anh Thành thừa nhận không phải là lạ.

Theo anh Thành, dân đi phân phối kẹo có luật riêng, mỗi người đều có địa bàn của mình, không ai xâm phạm lãnh thổ của ai. “Ngay cả tôi, để giành được quyền phân phối kẹo cao su ở khu vực này, cũng phải quà cáp liên tục cho chủ quán trà, không là mất mối ngay”, anh Thành chia sẻ.

Bảo Hân