Trước tình hình thế giới sớm muộn cũng sẽ "ngập" trong dầu vì thừa cung thiếu cầu, các nhà đầu tư đã bắt đầu hoảng loạn tìm đường tháo chạy, còn các tỷ phú thì phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Thế giới sẽ "ngập" trong dầu

Trong phiên giao dịch ngày đầu tiên của tuần này, ngày 27/7, giá dầu đã rớt giá một cách thảm hại xuống mức dưới 48 USD/thùng. Đến ngày hôm qua, 28/7, giá dầu đã giảm phiên thứ năm liên tiếp và về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm thêm 78 cent xuống còn 52,69 USD/thùng, khiến cho giá dầu Brent giảm tới 18% chỉ trong vòng tháng 7. Dầu thô của Mỹ đã giảm 36 cent về còn 47,03 USD/thùng, sau khi đã giảm tới 75 cent ở phiên giao dịch trước.

{keywords}

Trước tình hình thừa cung thiếu cầu, thế giới sớm muộn cũng sẽ bị nhấn chìm bởi dầu - Ảnh minh họa

Ông Bill Baruch, chiến lược gia trưởng của công ty iiTrader có trụ sở ở Chicago, Mỹ, nhận định: “Giá dầu sẽ giảm về mức 40 USD/thùng trước khi có thể tăng trở lại mốc 60 USD/thùng”.

Cơ sở để ông Baruch đưa ra đánh giá này là sự chênh lệch giữa mức cung và mức cầu về dầu lửa trên thị trường thế giới hiện nay.

Theo đó, việc chứng khoán Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng có thể sẽ kéo theo việc nhu cầu dầu mỏ của nước này sẽ sụt giảm đáng kể, trong khi đây lại là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới.

Trong khi đó, ước tính thị trường toàn cầu đã dư cung khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, và kể cả kinh tế Trung Quốc có đạt 7% thì cũng không giúp được việc có thể giảm con số dư này xuống, theo thông tin trên trang Reuter.

Hiện tại số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã tăng thêm 21 chiếc, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2014, theo báo cáo của Baker Hughes Inc.

Sản lượng dầu lửa của Mỹ cũng đã đạt đến gần mức cao nhất trong 40 năm qua, trong khi đó Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng vẫn đang "miệt mài" khai thác dầu với mức sản lượng được tuyên bố là "kỷ lục".

Chưa kể, Iran có thể sẽ bắt tay vào việc xuất siêu dầu ra toàn cầu sau khi đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc.

Vì vậy mà các chuyên gia mới đưa ra cảnh báo, rằng cuộc chiến dầu lửa của các ông lớn dường như mới chỉ bắt đầu, và thế giới sớm muộn cũng sẽ bị nhấn chìm bởi dầu.

Nhà đầu tư dầu bi quan, hoảng loạn

Trước tình hình này, giới đầu tư dầu lửa quốc tế đang bắt đầu có tâm lý bi quan, hoản loạn và hiện tượng "bán tống bán tháo" các hợp đồng dầu xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC), tính đến ngày 21/7 trên thị trường Mỹ, số hợp đồng đầu cơ đầu giá lên tại Mỹ nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống là 106.383 hợp đồng, giảm 28% so với trước đó 1 tuần và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.

Theo ông Piper Jaffray, chuyên gia của công ty Craig Johnson, gần đây giá dầu không vượt được ngưỡng trung bình của 200 ngày, và khi đã tụt xuống ngưỡng 50 USD/thùng thì khả năng chạm đáy như trước càng cao.

Tuy vậy, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn. “Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang theo dõi tin tức, hơn là các yếu tố cơ bản như cung, cầu. Mức giá thấp sẽ không duy trì lâu”, ông Steven Kopits thuộc công ty tư vấn năng lượng Princeton Energy Advisors nhận định.

Theo chuyên gia này, trong ngắn hạn, giá dầu có thể giảm thêm đôi chút, nhưng sau đó giá sẽ sớm tăng lên mức trên 60 USD/thùng đối với giá dầu ngọt nhẹ, thậm chí là trên 65 USD/thùng.

Tài sản triệu phú Ả-rập "bốc hơi"

Trước tình hình giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, của cải của những kẻ giàu có nhất tại Ả-rập Xê-út được cho rằng cũng sẽ sớm "bốc hơi" chỉ trong vòng vài năm tới, theo một báo cáo mới từ WealthInsight.

Trong năm 2015, số lượng người Ả-rập có tài sản trên ngưỡng 1 triệu USD đang là 49.150 người trên tổng dân số là 29 triệu người, và 1/5 số này giàu lên là nhờ bởi đã đầu tư rất bạo tay vào dầu mỏ, theo báo cáo của WealthInsight.

Tuy nhiên sự sụt giảm tới 50% trong giá dầu thô trong suốt 1 năm qua đã làm cho tài sản của họ hao hụt một cách nặng nề. Đáng nói hơn cả, giá dầu chỉ là một yếu tố nhỏ nằm sau cả một cuộc khủng hoảng lớn.

{keywords}

Các triệu phú Ả-rập đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề - Ảnh minh họa

Oliver Williams, người đứng đầu của WealthInsight cho biết trong báo cáo 27/7 rằng: "Cho đến nay, năm 2015 đã chứng kiến sự ra mắt đáng thất vọng của thị trường chứng khoán Ả-rập trên sàn thế giới, xung đột vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng ở khu vực biên giới và việc cạnh tranh kinh tế với Iran ngày càng một khó khăn hơn."

Tăng trưởng kinh tế của Ả Rập Saudi đã chậm lại từ mức đỉnh 10% của năm 2011 xuống còn 3,5% vào năm 2014. Số triệu phú Ả Rập Saudi bị "biến mất" trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes nhiều đáng kể, chủ yếu là những đại gia đang đầu tư mạnh tay vào ngành dầu lửa.

Hoàng tử Alwaleed Bin Talah Al Saud, công dân giàu có nhất của Ả Rập với tài sản ròng 27 tỷ USD đã rớt xuống vị trí thứ 34 trong bảng xếp hạng của Forbes năm 2015 so với vị trí thứ 30 của năm trước.

Người đàn ông giàu nhất tiếp theo của Saudi, Sheikh Mohammed Al Amoudi, với tài sản giá trị 10,9 tỷ USD còn tụt hạng thê thảm hơn cả Hoàng tử Al Saud, từ thứ 61 trong năm trước xuống đứng thứ 116 trong năm nay.

Theo trang CNBC, các công ty nghiên cứu tài chính cho biết trong vòng 5 năm tới, tốc độ gia tăng triệu phú ở quốc gia vùng vịnh này này sẽ chỉ đạt 12,4% tức bằng một nửa so với tốc độ gia tăng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 là 25%.

Dù dầu mỏ có thể đưa các tỷ phú Ả-rập lên đỉnh cao nhưng ở thời điểm này, dầu mỏ cũng hoàn toàn có thể "nhấn chìm" họ không thương tiếc. Và đến nay, Ả-rập Xê-út vẫn đang tiếp tục là quốc gia có sản lượng dầu mỏ "khủng" nhất trên thế giới với khoảng 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày.

(Theo VTC News)