Theo ước tính, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM hiện nay phải chịu khoảng 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản thường được các ngân hàng miễn để thu hút khách hàng thì hầu hết các dịch vụ khác đã được tính phí.
“Oằn lưng” gánh phí
Đã nhiều tháng nay, mỗi khi có tiền đổ vào tài khoản ATM, chị Vũ Bích Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) lại cầm chứng minh thư ra ngân hàng rút tiền. Tuy phải xếp hàng lâu hơn nhưng chị Ngọc cho biết cách này an toàn và không mất phí… Anh Bùi Huy Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh đang sở hữu 3 thẻ ATM của 3 ngân hàng khác nhau. Khi hỏi về các loại phí, anh Hùng thành thật: “Không thể nhớ được. Mỗi ngân hàng thu một kiểu…”.
Theo ước tính, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM đang phải chịu khoảng 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản thường được miễn để thu hút khách hàng thì hầu hết các dịch vụ khác đều phải tính phí.
Hầu như Ngân hàng nào cũng có máy ATM nhưng khách hàng không có nhiều sự lựa chọn (ảnh minh họa). |
Trong đó có thể kể tới: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí SMS banking, internet banking, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư, in hóa đơn,... Có ngân hàng thậm chí còn thu cả phí báo mất thẻ. Bởi vậy, nếu khách hàng sử dụng hết các dịch vụ của ngân hàng thì hàng tháng số phí này không hề nhỏ.
Chia sẻ với PLVN, chị Thúy Hà (Sơn La) bức xúc, chị đang sử dụng thẻ của VIB, nhưng ở địa phương không có cây ATM của VIB nên ngoài các loại phí như phí thường niên, SMS banking,... mỗi lần rút tiền chị phải mất thêm mấy nghìn đồng vì rút ngoài hệ thống.
“Thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, mỗi lần rút chỉ được 2 triệu đồng, phải mất 5 lần rút chưa kể trục trặc, số tiền tính ra mất vài chục nghìn mỗi tháng…”, chị Hà xót xa.
“Mỗi ngày tôi thực hiện từ 4-5 lần chuyển khoản qua internet - banking, phí mỗi lần vài nghìn đồng, tính ra mỗi tháng tôi mất tiền triệu vào cái phí này... ”, anh Hùng cho biết. Đó là lý do anh Hùng mở thêm nhiều thẻ để khi gặp khách hàng cùng ngân hàng chuyển tiền đỡ mất phí cao.
Cứ mỗi lần rút tiền là mất phí (ảnh minh họa) |
Nhập nhằng
Phản ánh đến Báo PLVN, anh Ngô Phước Thanh (Hà Nội) cho biết hàng tháng anh “bấm bụng” bị ngân hàng trừ 2 khoản tiền 5.500 đồng và 13.200 đồng mặc dù thẻ không phát sinh giao dịch. Chấp nhận mất phí để duy trì thẻ nhưng vào một ngày đẹp trời, tin nhắn báo về tài khoản của anh bị trừ 50.000 đồng với nội dung “ACCINACT12-20150228” mà anh hỏi khắp không ai dịch được nội dung này là gì.
Ấm ức, anh Thanh ra Phòng giao dịch của ngân hàng hỏi thì được giải thích đó là khoản thu 1 năm tài khoản không giao dịch(!?). “Vô lý quá! Hàng tháng tôi đã chịu mất phí để duy trì thẻ và dịch vụ rồi...”- anh Thanh bức xúc.
Tuy nhiên, khi hỏi quy định này khách hàng có được biết hay được cảnh báo không thì nhân viên ấp úng giải thích đó là... quy định nội bộ của ngân hàng khiến anh Thanh chỉ biết kêu trời: “Đó là 50 nghìn chứ 5 triệu đồng khách hàng cũng phải chịu à?”.
Hàng tháng dùng thẻ ATM, chị Phạm Thị Lan (Ba Đình, Hà Nội) mặc định bị trừ 2 khoản phí: phí thường niên và phí duy trì dịch vụ SMS banking vào tầm đầu tháng và cuối tháng. Thế nhưng giữa tháng 4 vừa qua, chị bỗng nhiên bị trừ thêm 5.500 đồng.
Thắc mắc hỏi tổng đài thì được nhân viên giải thích đó là phí dịch vụ Internet Banking - một dịch vụ mà chị Lan chưa hề đăng ký. Nhân viên ghi nhận và cho biết sẽ kiểm tra lại và sẽ có người điện thoại trực tiếp giải thích với chị sau. Thế nhưng ngay trong buổi chiều, nhà băng này nhắn tin hoàn lại phí cho chị, thoạt đầu là 5.000 đồng, tiếp sau là 500 đồng, mà không có bất cứ một lời giải thích (!?).
Khi nghe câu chuyện này, không ít người giật mình vì mấy ai để ý ngân hàng trừ tiền như thế nào khi hàng tháng có rất nhiều khoản phí được ngân hàng tự động trừ vào tài khoản...
Người tiêu dùng thông thái
Rất nhiều người nhận lương qua thẻ ATM cho biết họ không có sự lựa chọn khác bởi thẻ ATM do cơ quan mở, trường hợp của chị Thúy Hà (Sơn La) là một ví dụ. Trong số đó không ít người cứ có tiền trong tài khoản là rút hết để tiêu dần.
“Thực ra chi tiêu cho đời sống hàng ngày, hiếu hỉ, rồi tiền học cho con,... dùng thẻ đâu có tiêu được? .Tự nhiên hàng tháng lại gánh thêm tiền nuôi thẻ... ”- chị Ngọc tâm sự. Để giảm thiểu chi phí, chị Ngọc đem chứng minh thư đến trực tiếp Phòng giao dịch để rút tiền dù biết cách làm này hơi… quê.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, về bản chất việc ngân hàng thu các loại phí ATM là đúng quy định và đều thể hiện ở hợp đồng. “Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn minh bạch và tự nguyện bởi khi ký hợp đồng, ngân hàng quy định khi thay đổi phí sẽ thông báo bằng văn bản, thông báo trên trang web. Nếu khách hàng không phản hồi gì thì nghĩa là đồng ý, còn không đồng ý thì chỉ còn nước khoá thẻ, chuyển ngân hàng”.
Luật sư Đức cũng cho rằng, để đòi quyền lợi, khách hàng có thể thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) hoặc khi có nhiều người cắt thẻ ATM sẽ buộc ngân hàng phải xem xét lại. Tuy nhiên, trường hợp này cũng ít khả quan bởi cả hệ thống đều tăng phí. Trong khi đó, NTD cũng không thể không sử dụng thẻ bởi hiện quy định phải trả lương qua thẻ hoặc các tiện ích đang được hưởng từ việc sử dụng dịch vụ này.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) cho biết, thời gian qua, Hội nhận được một số khiếu nại của khách hàng liên quan đến dịch vụ ngân hàng nhưng không nhiều như đối với các mặt hàng thông thường khác.
“Rất có thể nhiều NTD không để ý và cũng ngại khiếu nại khi số tiền bị thiệt hại không nhiều…”- ông Hùng nhận định. Ông Hùng cũng lưu ý quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ là một trong những quyền của NTD. Tuy nhiên, hơn hơn ai hết, chính NTD phải tự thông thái để bảo vệ mình.
Theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thẻ nội địa, từ ngày 01/03/2013, các tổ chức phát hành thẻ được thu phí dịch vụ thẻ đối với chủ thẻ theo loại phí, mức phí do Giám đốc của tổ chức quy định nhưng phải bảo đảm nằm trong khuôn khổ và lộ trình đối với loại phí theo quy định của Thông tư này (chưa bao gồm thuế VAT). Cụ thể: Phí phát hành thẻ từ 0 - 100.000 đồng/thẻ; phí thường niên từ 0 - 60.000 đồng/thẻ/năm; phí vấn tin tài khoản ngoại mạng từ 0 - 500 đồng/giao dịch; phí in sao kê tài khoản hoặc chứng từ vấn tin tài khoản nội mạng từ 100 - 500 đồng/giao dịch, ngoại mạng từ 300 - 800 đồng/giao dịch; phí chuyển khoản từ 0 - 15.000 đồng/giao dịch. Riêng phí rút tiền mặt ATM nội mạng sẽ được thực hiện theo lộ trình: Từ ngày 01/03/2013 đến 31/12/2013, mức phí từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch; từ ngày 01/01/2014 đến 31/12/2014, mức phí từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch; từ ngày 01/01/2015 trở đi, mức phí từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch; còn phí ngoại mạng chỉ được thu trong khung từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu công khai, minh bạch về việc thu phí thẻ ATM và lãi suất thẻ tín dụng Trước phản ánh của dư luận về các loại phí, mức phí của thẻ ATM và lãi suất thẻ tín dụng quốc tế mà các ngân hàng đang áp dụng đối với chủ thẻ, ngày 16/7/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn 5401/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ khẩn trương rà soát lại các loại phí, mức phí đang áp dụng đối với thẻ ghi nợ tại đơn vị, bảo đảm việc thu phí tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 35/TT-NHNN ngày 28/12/2012. Cụ thể là, chỉ được thu theo loại phí, mức phí được quy định tại biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình, mức thu phí phải nằm trong biểu khung mức phí quy định tại Thông tư 35/2012/TT-NHNN; niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo đúng quy định pháp luật về thu phí dịch vụ thanh toán; chủ động giải thích, công khai minh bạch các loại phí, mức phí khi ký kết hợp đồng mở thẻ với khách hàng hoặc khi có thay đổi các loại phí, mức phí trong quá trình cung cấp dịch vụ; kịp thời thông báo thông tin cập nhật về biểu phí, mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ đến khách hàng; Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ thực hiện niêm yết công khai lãi suất thực tế cho vay qua thẻ tín dụng theo quy định khi khách hàng mở thẻ và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ; chủ động nắm bắt thông tin trên thị trường, tiếp thu những phản ánh xác đáng, khách quan; giải thích và phản hồi trước khách hàng hoặc công chúng về những thắc mắc liên quan đến mức phí và loại phí thẻ ghi nợ nội địa, mức phí và lãi suất qua thẻ tín dụng. |
(Theo PLVN)