- Tỉnh Sơn La vừa biện minh về con số 1.400 tỷ đồng xây quần thể tượng đài Bác Hồ với mục đích đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào Tây Bắc đối với Bác. TS Lê Đăng Doanh phải thốt lên: "Có ai tiếp cận ngân sách bằng tình cảm như vậy không?".
Kỷ luật tài chính là trước hết
Lãnh đạo tỉnh Sơn La lý giải rằng, tượng đài Bác Hồ là một thiết chế văn hoá quan trọng nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng Việt Nam. Tượng đài chỉ có vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Hơn 1.200 tỷ còn lại là xây các hạng mục khác như đền thờ, quảng trường, bảo tàng, khuôn viên cây xanh...
Chuyên gia Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Bộ KHĐT thẳng thắn: "Đó là biểu hiện của cách tiếp cận ngân sách hết sức lỏng lẻo. Tình cảm với Bác là vô giá, nhưng không thể vin vào lý do này để đưa ra những khái toán ‘trên trời’ được. Nếu tỉnh nào cũng chi tiêu ngân sách bằng tình cảm thì ngân sách sẽ ra sao?"
Trong khi đó, "tỉnh bạn Quảng Ninh... đang gánh chịu thiệt hại hàng nghìn tỷ vì mưa lũ lịch sử", ông nói.
Một công trình siêu khủng khác là Bảo tàng lịch sử quốc gia vừa được giao Bộ Xây dựng chủ trì lập kế hoạch đầu tư. Bốn năm trước, khái toán của siêu bảo tàng này đã là 11.277 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội chỉ tốn 2.000 tỷ đồng, bằng 1/5 con số trên lại đang rất vắng khách dù đã 5 năm hoạt động.
Bảo tàng nghìn tỷ đang rất vắng khách
|
Ngoài ra, còn có hàng trăm, hàng nghìn những ví dụ khác có thể kể ra.
Chẳng hạn, Hà Nội muốn chi 20 tỷ đồng để... tuyên truyền về điện hạt nhân, trong đó, xin Ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng. Hà Nội không có nhà máy điện hạt nhân nào trong khi tỉnh Ninh Thuận, hay các Bộ Công Thương, Khoa học công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đều đã làm việc này rồi.
Nếu như các đề xuất trên mới chỉ là trên giấy, lo xa thì với nhiều dự án công đã đi vào hiện thực, xin tăng vốn lại trở thành căn bệnh khó chữa.
Kiểm toán Nhà nước mới đây liệt kê, đứng số 1 về con số tăng vốn là dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng thêm 20.920 tỉ đồng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng, Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỉ đồng, tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc (BT) tăng 1.183 tỉ đồng...
Một chuyên gia đã nói: với một bức tranh chi đầu tư như vậy, bội chi không tăng, nợ công không giảm mới là lạ.
Đừng bất minh ngân sách
Người cầm trịch tài khoá quốc gia là Bộ Tài chính, chưa bao giờ thừa nhận áp lực bội chi và nợ công sẽ vượt trần. Bộ này cũng thường xuyên khẳng định về về an toàn tài chính quốc gia trước mọi ý kiến cảnh báo.
Trong khi Trung ương phải làm đủ mọi cách để tận thu nhằm cấp cứu cho ngân sách thì các địa phương lại đua nhau xin xây bảo tàng, tượng đài, vẽ đề án lớn. |
Trên thực tế, tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính đã báo cáo với Ban chỉ đạo liên ngành của Chính phủ về kinh tế vĩ mô tình trạng, ngân sách ước thiếu 32.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và đảo nợ, chưa biết cân đối từ nguồn nào.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Lê Đăng Doanh nói: "Cần phải đánh giá chính xác và nghiêm túc về cân đối ngân sách, gánh nặng nợ công và bội chi. Bất kỳ sự không công khai và không đánh giá đầy đủ, không có kế hoạch trả nợ căn cơ thì chúng ta sẽ phải trả giá trong tương lai".
"Nếu không, các cấp các ngành sẽ tiếp cận ngân sách rất lỏng lẻo, không dựa vào các nguyên tắc tài chính tối thiểu như khả năng huy động vốn, tiết kiệm và hiệu quả, , ...", TS Doanh nói.
Ông cũng cho rằng, chính vì không minh bạch tài khoá nên mới có hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Khi Trung ương phải giật gấu vá vai, vay chỗ này chỗ kia, làm đủ mọi cách để tận thu nhằm cấp cứu cho ngân sách thì các địa phương lại đua nhau xin xây bảo tàng, tượng đài, vẽ đề án lớn.
"Tôi đã 2 lần đề nghị với Uỷ ban kinh tế của Quốc hội tại các diễn đàn kinh tế là phải tái cơ cấu ngân sách, giảm chi mạnh mẽ, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy...Cần phải làm ngay trước khi quá muộn", ông Doanh nói.
- Phạm Huyền