Không như trước đây, chó, mèo khi được nuôi cùng lắm là chỉ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, đến lúc chúng ốm bệnh mới đem đến bác sĩ thú y, ngày nay, nhiều chủ nhân chỉ cần thấy vật nuôi “hắt hơi sổ mũi” là đưa ngay đến phòng khám; uể oải, biếng ăn được đưa đi tiêm thuốc, truyền dịch.

Người ta còn đưa chó đi khám thai định kỳ, chó khó đẻ thì phải mổ lấy thai, rồi dịch vụ triệt sản, mổ lấy sạn ở bàng quang, thận, tẩy ký sinh trùng... Đó là chưa kể các dịch vụ làm đẹp cho chó mèo đang đua nhau mọc lên như nấm...

“Dịch vụ chăm sóc thú cưng thời @”

{keywords}

Chủ nhân của chú chó này sẵn sàng bỏ ra bạc triệu để 'tân trang nhan sắc' cho chú.

Tò mò trước cái tên mỹ miều “Vương quốc chó mèo” của ông chủ Nguyễn Bảo Sinh, chúng tôi tìm đến con ngõ nhỏ số 167 đường Trương Định (Hà Nội), và tưởng như mình lạc vào “mê cung” nơi trần thế của chó, mèo. Trong khuôn viên gần 3000m2 được bố trí nhiều “Hotel” xinh xắn, xây dựng theo kiến trúc khách sạn vườn. Hầu như “Vương quốc” độc nhất vô nhị của ông không nghe thấy tiếng chó sủa inh tai, tiếng mèo kêu rền rứ, mà tĩnh lặng và khá sạch.

Khắp khu vườn đều phủ bóng cây xanh, tiếng chim ríu rít tạo cảm giác thanh bình. Chính giữa vườn là một hồ nước được ông Bảo Sinh đặt tên là “Ao phóng sinh”, thả cá chép vàng và trồng hoa súng. Trên mặt hồ có pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 8m, cùng nhóm thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Ngay trên bức tường bao quanh hồ có khắc hàng trăm bài thơ “thiền” do ông Bảo Sinh sáng tác. Trước mặt hồ là một tòa tháp thờ Phật cao gần 20m, cạnh tháp là tượng và bàn thờ 18 vị La Hán. Ngay sau tháp là 3 đài hóa thân hoàn vũ, khu mai táng và nghĩa trang dành cho chó, mèo. Nơi đó vẫn còn đôi ba thẻ hương phơ phất cháy...

Đến nghĩa trang chó mèo của ông Bảo Sinh để thăm phần mộ của chú chó cưng có tên Zin, chị Hoàng Thùy Dương (quận Tây Hồ) chần chừ mãi không muốn về. Lau di ảnh của Zin xong, chị Dương kể, trong một lần dạo phố, chị không may bị ngã xe khiến chân tay bầm dập, trầy xước nhưng điều đó không khiến chị đau đớn bằng chú chó Zin bị xe đè lên. Khóc nức nở, chị gọi xe đưa Zin đi cấp cứu tại Bệnh viện Thú y ở Thụy Khuê. Không cứu được Zin, chị đau buồn như thể mất đi một người thân trong nhà. Chị Dương định mang Zin ra ven sông Hồng chôn cất cho “cục cưng” được mát mẻ, siêu thoát, nhưng rồi chị sợ Zin cô độc giữa nơi hoang vắng, lạnh lẽo như thế nên đã đưa đến nghĩa trang chó mèo này. “Zin thuộc giống Phốc Sóc, có bộ lông rất đẹp, rất ngoan và tình cảm. Zin đã luôn ở bên tôi mọi lúc buồn vui, nên giờ mỗi lần đi làm về không còn thấy Zin chạy ra vẫy đuôi mừng tíu tít, tôi lại trào nước mắt”, chị Dương nghẹn ngào.

Tương tự chị Dương, gia đình chị Trần Thị Bích Vân (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) như “đứt từng khúc ruột” khi mất đi chú chó có tên đầy đủ Vũ Uyển Nhi. Một ngày giữa tháng 7, chị Bích Vân đưa Uyển Nhi đến Bệnh viện Thú y trên phố Trường Chinh để mổ đẻ vì con cún trong bụng Uyển Nhi quá bụ. Một tuần sau phẫu thuật, Uyển Nhi bị bục ruột dẫn tới nhiễm trùng. Uyển Nhi chết, con của nó cũng không cứu được, vợ chồng chị Vân đã mang đến nghĩa trang chó mèo để hỏa táng. Trong bức thư gửi cho Uyển Nhi, con gái của chị Vân là Vũ Thị Ngọc Ánh đã ghi rõ địa chỉ nhà ở, số điện thoại và cả nguyện ước: “Mong Uyển Nhi sớm đầu thai để làm kiếp người, làm “con gái” của mẹ”.

Ngọc Ánh kể: Uyển Nhi rất tuyệt vời, thông minh. Hàng sáng, chỉ cần gọi tên là Uyển Nhi chạy vào nhà tắm để em đánh răng, rửa mặt. Tới bữa ăn, “con gái” em ăn uống rất gọn gàng, không bao giờ để vương thức ăn ra khỏi đĩa. Nhi thích ăn xúc xích bò, uống sữa tươi, đồ nướng. Mỗi lần thấy em và mẹ chuẩn bị đi mua sắm là Uyển Nhi lại chạy tới dụi dụi vào chân rồi nhảy tót vào giỏ xách ngồi chờ. Gia đình em đi du lịch cũng phải cho Uyển Nhi đi cùng. Khi Nhi mất, em đã đeo vào cổ Nhi một chiếc dây chuyền vàng”.

{keywords}

Siêu thị thời trang chó mèo

“Em đi học thạc sĩ bên Đài Loan, rất nhớ Uyển Nhi. Mỗi lần gọi điện về nhà, hai mẹ con lại kể chuyện về Nhi. Ở Đài Loan, vì quá nhớ Nhi nên em nuôi một em cún tên là Sam. Sam đã được làm sẵn hộ chiếu để về nước sau khi em kết thúc đợt du học này”, Ngọc Ánh tâm sự.

“Chăm chó, mèo chẳng khác gì chăm trẻ”

Được biết, ông Bảo Sinh dựng nghĩa trang này để tỏ lòng tưởng nhớ những con vật thân thiết. Hiện tại, có khoảng gần 300 chú chó mèo đang “yên nghỉ” ở đây và hàng trăm con đã thành tro cốt sau khi vào “đài hóa thân hoàn vũ” để trở về với cát bụi. Có lẽ ngày lập nên cái nghĩa trang này, ngay cả ông Bảo Sinh cũng không thể tin được rằng, khách hàng của mình lại đông đến vậy. Bản thân tôi, khi nghe đến số tiền 7 triệu đồng để mua một “sinh phần” cho chó mèo ở nghĩa trang này cũng thừa nhận, phải yêu quý những con vật này lắm, chủ nhân của chúng mới bỏ ra ngần ấy tiền.

Mà nào chỉ dừng lại ở đấy, hàng năm ông còn tổ chức lễ cầu siêu cho chó mèo, bởi ông quan niệm chúng cũng là những sinh vật, cũng có linh hồn. Có người thấy vậy, bảo ông “khùng khùng”, gàn dở thì ông chỉ cười khà khà: “Khi người ta yêu quý cái gì đó, cho dù chỉ là con vật thì người ta có quyền nhớ thương nó chứ. Chăm sóc, nuôi dưỡng động vật cũng là cách để con người ta thêm yêu thiên nhiên, thân thiện hơn với môi trường”.

Ông Sinh cho biết, khách đến thuê các dịch vụ tại đây bao gồm cả đại gia lắm tiền, đến viên chức nhà nước, học sinh, sinh viên... Theo nhu cầu cuộc sống, họ có thể bận đi công tác, đi du lịch mà gửi vật nuôi đến đây “lưu trú”. Với vật nuôi có kích thước cân nặng càng lớn thì “nhà ở’ cũng phải quy mô hơn, lượng thức ăn cũng phải đáp ứng được nhu cầu, do đó giá dịch vụ sẽ giao động theo biến số này. Chẳng hạn, vật nuôi từ 1-5 kg là 50.000 đồng/ngày, từ 5-10kg là 80.000 đồng/ngày, từ 10kg trở lên sẽ có giá hơn 100.000 đồng/ngày. Bên cạnh công thức này, khách hàng có thể lựa chọn thuê theo phòng với giá phổ biến dao động trong khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày. Loại cao cấp hơn khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày. Còn những khu vực phòng VIP được liệt vào hàng “khách sạn” hay “resort” thì mức giá được tính bằng tiền triệu.

Một chú chó, mèo nghỉ đêm tại phòng VIP khách sạn (nằm trong khu nhà 5 tầng, có thang máy đưa lên từng tầng một), chủ nhân của nó sẽ phải trả 1-1,5 triệu đồng, một mức giá không hề rẻ, song có những khách hàng thậm chí đã chi tới gần 100 triệu đồng để gửi thú cưng lâu dài tại “khách sạn” đặc biệt này. Phòng được trang bị khá hiện đại, có ghế sofa, tivi, điều hòa, quạt, lò sưởi, bồn tắm, đĩa phim hoạt hình... Có cả cửa kính để thú cưng ngắm cảnh từ trên tầng 5 xuống, rèm cửa có thể kéo lên để cảm nhận ánh nắng tự nhiên, có camera quay cảnh sinh hoạt của chó mèo, để người chủ có thể theo dõi hoạt động của vật nuôi khi họ ở xa. Mỗi con vật được ở trong chuồng riêng, có nhân viên chăm sóc riêng, có bác sĩ khám, dắt đi dạo. Thức ăn đáp ứng theo yêu cầu, có thể là thịt bò nước ngoài, chải lông và tập luyện. Còn bên trong phòng có giá 400.000 đồng/đêm, ngoài chuồng, còn có các ngôi nhà nhỏ làm nơi cho các con vật cưng vui chơi. Sẽ có 1 nhân viên chăm sóc 2-3 con vật, ngoài ra mỗi chú chó, mèo có thể phải ở chung chuồng, thức ăn bình dân hơn.

Theo ông chủ “Vương quốc chó mèo”, kỵ nhất trong nghề nhận trông chó mèo là việc vật nuôi chết và ông đã gặp phải sự cố này mấy năm trước. Lần đó khi đến nhận lại thú yêu, cả người gửi lẫn người trông đều chết lặng khi ôm chó ra khỏi chuồng thì thấy nó đã chết cứng trong tư thế ngồi. Trước đó, nó vẫn ăn uống bình thường. Người chủ vô cùng đau buồn, tức giận, không tiếc lời trách móc chủ khách sạn. Suốt nửa tháng, hôm nào họ cũng đến làm ầm ĩ. Ông Sinh cũng chia sẻ, nhiều chủ nhân của những chú chó phòng VIP khá khó tính. Trước khi gửi, họ cân chó của mình để so sánh với sau khi gửi. Nhiều con ở một mình buồn nên kêu cả đêm nên ông phải chuyển chỗ ở cho nó. Nhưng khi chủ nhân thấy con vật của mình bị chuyển phòng khác thì họ phản ứng rất gay gắt.

Với những khách hàng khá giả, số tiền vài triệu đồng cho mỗi lần gửi thú cưng không phải là vấn đề lớn, chỉ cần thú cưng của mình được chăm sóc kĩ. Bởi vậy, áp lực của các nhân viên ở những trung tâm nuôi giữ chó mèo không hề nhỏ. Ông Sinh ví von: “Với nhiều gia đình, thú cưng được họ coi chẳng khác gì con nên sơ sẩy một tý là họ phàn nàn ngay. Chăm chó, mèo chẳng khác gì chăm trẻ”.

(Theo PLVN)