Chúng ta đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư và có hàng rào pháp lý để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Nhưng thực tế có không ít chủ doanh nghiệp đưa ra những quy định để áp dụng trong lãnh địa của mình vượt qua khuôn khổ pháp luật Việt Nam...

Những quy định nằm ngoài pháp luật

Theo điều tra của phóng viên Báo CAND thì việc chủ doanh nghiệp đưa ra những quy định để áp dụng trong lãnh địa của mình vượt qua khuôn khổ pháp luật Việt Nam không hiếm. Chúng ta đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư và có hàng rào pháp lý để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Thế nên, việc phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời những quy định vượt thẩm quyền của các “ông chủ” này là trách nhiệm của người lao động, cơ quan quản lý Nhà nước để làm lành mạnh môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.

Trước khi thực hiện chuyên đề này, nhóm phóng viên đã có mặt tại các nhà máy, khu công nghiệp, xóm trọ ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Tiếp xúc với những người công nhân, chúng tôi đã có không ít bất ngờ khi được tiết lộ về những “luật” tréo ngoe mà ông chủ của họ đặt ra.

“Nhốt” hơn 300 công nhân đến nửa đêm chỉ để tìm viên kim cương giá 2 triệu đồng

Tại TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp gia công những mặt hàng có chi tiết nhỏ, các bộ phận may những loại phụ kiện nhỏ, đắt tiền như doanh nghiệp may mặc, da giày hiện vẫn đang tiến hành khám người công nhân khi ra khỏi xưởng. Điều này đã gây ra chuyện dở khóc, dở cười. Giữa tháng 8 vừa qua, cả trăm công nhân của Công ty TNHH Rydiam Sài Gòn – một doanh nghiệp chuyên gia công chế tác kim cương ở quận Gò Vấp đã tập trung lãn công, phản đối việc công ty buộc phải ở lại để tìm viên kim cương bị mất cách đó mấy ngày.

Sự việc được người có liên quan là nữ công nhân tên Hà kể lại, thì khi công nhân này đang thực hiện gia công, mài giũa viên kim cương thô có giá trị khoảng 2 triệu đồng, bất ngờ viên kim cương này văng ra khỏi đĩa quay. Dù đã cố gắng tìm lại nhưng không thể tìm ra do viên đá quá nhỏ, nhà xưởng lại rộng.

{keywords}

Môi trường lao động tốt giúp năng suất lao động tăng.

Do đó ngay chiều cùng ngày, khi vừa hết giờ làm, Phó Tổng giám đốc người nước ngoài của Công ty TNHH Rydiam Sài Gòn đã yêu cầu bảo vệ đóng cửa nhà xưởng, nhốt chặt không cho ai được phép ra về để buộc hơn 300 công nhân phải ở lại để tìm kiếm đến gần nửa đêm. Quá bức xúc, người nhà của các công nhân chờ đợi bên ngoài đã phải gọi điện báo Công an phường sở tại và phải đến khi lực lượng chức năng có mặt giải cứu, các công nhân được mở cửa cho về. Riêng người có liên quan là chị Hà còn phải ở lại để làm biên bản kéo dài thêm hơn một giờ nữa.

Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng lại ở đây. Bởi hôm sau dù là ngày nghỉ nhưng nhiều công nhân vẫn được yêu cầu phải tiếp tục đến để tìm kiếm viên kim cương. Do không tìm thấy viên kim cương nên những ngày sau đó, khi các công nhân khác được làm việc, riêng người liên quan là chị Hà vẫn bị bắt tìm tài sản thất lạc.

Nguyên nhân dẫn đến chuyện bức xúc, lãn công được nhiều công nhân giải thích rằng, vị Phó Tổng giám đốc người ngoại quốc trên đã không đồng ý trả tiền tăng ca cho họ trong thời gian tìm kiếm viên kim cương, mà còn quyết định cắt thưởng nếu ai làm văng kim cương ra ngoài.

“Vượt rào” kiểu… Formosa Hà Tĩnh

Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm việc Công ty Formosa Hà Tĩnh đóng tại Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh tự “đẻ” ra những quy định để xử lý người điều khiển phương tiện giao thông trong “địa giới hành chính” của mình. Sở dĩ dư luận quan tâm và bất bình bởi những quy định, cách xử lý của Công ty Formosa đã vượt lên trên cả khuôn khổ luật pháp Việt Nam.

Mới đây, lấy lý do để bảo đảm an toàn giao thông, Công ty Formosa tự ý lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở các điểm giao cắt, lập đội tuần tra giao thông sử dụng xe ôtô gắn còi, đèn tín hiệu đi tuần tra và đặc biệt công ty này còn tự “đẻ” ra quy định: Nếu tài xế ôtô chạy quá 30km/giờ sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng mỗi lần vi phạm; tài xế chạy quá 50km/giờ bị xử phạt 3 triệu/ lần vi phạm; tài xế nào vi phạm từ 4 lần trở lên bị phạt 3 triệu đồng. Các nhân viên của công ty nếu bị phạt sẽ không được vào xưởng trong thời gian một năm.

Chúng tôi có mặt tại Công ty Formosa Hà Tĩnh sau khoảng 1 tuần dư luận dậy sóng về quy định xử phạt giao thông ở đây. Tài xế Nguyễn Văn T, người hơn 3 năm nay chuyên chở nguyên liệu phục vụ việc xây dựng trong Công ty Formosa than phiền, khi mới triển khai và trong những năm xây dựng ồ ạt, lãnh đạo công ty Formosa không hề đưa ra bất cứ quy định nào để bảo đảm an toàn giao thông, xe chở quá khổ, quá tải đều dễ dàng ra vào công ty, bởi lúc này công ty đang rất cần nguyên vật liệu để xây dựng.

Nay nhiều hạng mục đã sắp xong, hoặc đã hoàn thành công ty mới “đẻ” ra việc xử lý để bảo đảm an toàn giao thông. Anh Nguyễn Xuân S. chuyên chạy xe trong công ty Formosa phân bua, mỗi tháng tài xế lái xe chỉ kiếm chưa được đầy 10 triệu đồng, nếu công ty xử phạt mỗi lỗi 2 triệu đồng cho xe chạy quá 30km thì chắc chắn nhiều người làm công âm cả tiền làm.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Báo CAND đã thu thập được không ít những quy định tréo ngoe mà các "ông chủ" đặt ra và yêu cầu người lao động chấp hành. Có không ít lao động nữ ấm ức với quy định liên quan đến việc mang bầu, đi vệ sinh, lấy chồng… Đấy còn chưa kể cả những quy định bắt ép người lao động như làm thêm giờ, cắt thưởng… Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này.

Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện như: Được sự đồng ý của NLĐ; Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

(Luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên)

(Theo Công an nhân dân)