- Có tuổi thơ nghèo khổ, năm 32 tuổi vẫn tay trắng khi đến Mỹ nhưng ông Hoàng Kiều đã trở thành tỷ phú giàu nhanh nhất và triển vọng phía trước rất sáng sủa.
Nổi danh nước Mỹ
Tờ Forbes vừa có một bài viết khá dài nói về cuộc đời của tỷ phú Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều, người giàu nhất trong số 25 gương mặt mới trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400) năm nay.
Theo bảng xếp hạng mới, ông Hoàng Kiều đứng thứ 149 với tài sản 3,8 tỷ USD và tiếp tục là gương mặt nổi bật trong số các tỷ phú tại Mỹ sau khi bất ngờ lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới với 1,65 tỷ USD hồi tháng 3/2014.
Ông Hoàng Kiều là một tỷ phú tự thân với lĩnh vực kinh doanh chính là dược phẩm. Ông sinh năm 1944 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ).
Phần lớn tài sản của ông Hoàng Kiều là cổ phần trong Tập đoàn Shanghai RAAS Blood Products có cổ phiếu niêm yết tại TTCK Thâm Quyến của Trung Quốc. Đây là công ty chuyên sản xuất các loại huyết tương sử dụng trong lĩnh vực y tế, do chính ông Hoàng Kiều thành lập năm 1992.
Tỷ phú Hoàng Kiều là người giàu nhất trong số 25 gương mặt mới trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ năm nay. |
Shanghai RAAS Blood Products nằm trong danh sách 200 DN dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2015 và đứng thứ 20 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất của Forbes. Hiện Shanghai RAAS có vốn hóa 17,7 tỷ USD và doanh thu 214 triệu USD.
Ông là Phó Chủ tịch Shanghai RAAS và nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu DN này.
Với thành công của Shanghai RAAS, tài sản cá nhân của ông Hoàng Kiều đã tăng gấp hơn 3 lần trong vòng một năm qua và nhiều khả năng còn tăng mạnh do triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc rất tốt. Hiện, nhu cầu đối với sản phẩm của Shanghai RAAS quá lớn, tới mức DN này không đủ cung cấp cho chỉ 1 tỉnh của Trung Quốc.
Phần tài sản còn lại của ông nằm trong công ty Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) ở California và một hãng rượu vang đỏ tại thung lũng Napa thuộc bang California của Mỹ, chuyên cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc.
Tai tiếng vì ‘hoa hậu’
Trước khi trở thành tỷ phú USD nhờ vụ IPO Shanghai RAAS vào năm 2014, ông Hoàng Kiều đã nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại Việt Nam.
Hoàng Kiều là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại Việt Nam. |
Ông Hoàng Kiều đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua đất đai ở Tiền Giang và dự định thâu tóm cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã nhanh chóng vỡ mộng với cuộc chơi này và bỏ cuộc do triển khai xây dựng hàng loạt các công trình gặp trục trặc và cuộc thi hoa hậu thế giới cũng chưa được cấp phép chuyển từ Nha Trang về Tiền Giang.
Kể từ cuối 2010 đến nay, ông Hoàng Kiều gần như không còn được nhắc đến với các dự án tại Việt Nam. Các hoạt động chính của doanh nhân này sau đó chủ yếu ở Thượng Hải.
Theo Forbes, mười tháng trước, ông Hoàng Kiều đã vắng mặt trong buổi ra mắt hãng rượu vang Napa tại San Francisco, thay vào đó là người con trai Tommy Hoàng. Lý do là bởi, ông phải sang Thượng Hải để lo công việc kinh doanh của Shanghai RAAS.
Hầu hết các chai rượu vang có in gương mặt ông Hoàng Kiều được bán ra tại Trung Quốc. Và đây cũng là thị trường mà ông đã rất thành công với các sản phẩm huyết tương của mình.
Đến Mỹ khi mới 32 tuổi với 5 người con, ông vẫn tay trắng và không có kỹ năng cần thiết để làm công việc tại công ty dược phẩm Abbott. Tuy nhiên, ông vẫn tự tin nói với người phỏng vấn tuyển dụng rằng mình có khả năng học hỏi để làm việc. Chỉ 6 tháng sau, từ vị trí nhân viên, ông đã được bổ nhiệm làm giám sát và 6 tháng tiếp sau trở thành quản lý tại Abbott. Cuối cùng, ông đã leo lên vị trí cao nhất của DN này: giám đốc chịu tránh nhiệm thử nghiệm các mẫu huyết tương.
Cuối những năm 70, ông bắt đầu nghĩ tới các bước tiếp theo sau khi nhận được một lời khuyên từ một người cố vấn: “không bán rẻ chất xám của mình”. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực huyết tương, ông quyết định lập công ty riêng Rare Antibody Antigen Supply Inc. và mua hàng loạt các trung tâm huyết tương tại Mỹ.
Hai năm sau đó, ông bắt đầu mở rộng ra toàn cầu và cuối cùng là Trung Quốc. Khi đó, ông cho biết, rất ít DN Mỹ tập trung vào Trung Quốc và ông nằm trong số hiếm hoi các doanh nhân có xu hướng này.
Do không được sở hữu 50% DN tại Trung Quốc, năm 1987 ông hợp tác với Shanghai Blood Center và sau đó năm 1992 ông mở Shanghai RAAS chuyên bán abumin (AlbuRAAS).
Cổ phiếu Shanghai RAAS đã tăng gấp 3 lần trong vòng một năm qua và đi ngược hoàn toàn so với cú sốc giảm giá của TTCK Trung Quốc trong vài tháng gần đây. Triển vọng của DN này ngày càng sáng do sản phẩm làm ra không kịp bán.
Với mảng rượu vang mà ông thâm nhập từ 2014, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã có những thành công ban đầu nhờ quy trình sản xuất 2 loại sản phẩm này có nhiều công đoạn giống nhau.
Ông Hoàng Kiều đã có những chuyến hồi hương về Việt Nam bắt đầu từ 2006 bằng việc làm từ thiện. Hồi tháng 6, ông đã tặng 1 triệu USD cho một quỹ từ thiện tại Mỹ. Ông cũng đã cam kết dành 20% tài sản làm từ thiện.
Chia sẻ trên Forbes, ông Hoàng Kiều cho biết, ông muốn bày tỏ lòng biết ơn và sự đền đáp. Ông luôn nhớ về thời thơ ấu sống ở vùng thôn quê, chạy chân trần, không áo và dùng dao chặt củi cho mẹ.
Huấn Tú