Tối 6/10, Đoàn đàm phán TPP Việt Nam đã về đến Hà Nội, ngay tại sân bay quốc tế Nội Bài, phóng viên Vietnamnet đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP.

Chia sẻ cảm xúc của mình, ông Khánh bày tỏ, chúng tôi rất vui. Sau gần 6 năm đàm phán, cuối cùng TPP đã được kết thúc toàn diện. Các Bộ trưởng đã có những ngày đàm phán rất khó khăn và cuối cùng đã quyết định được tất cả các vấn đề tồn tại để kết thúc đàm phán.

Ông Khánh cho biết, các bên kỳ vọng sẽ chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12/2015 hoặc đầu tháng 1/2016.

Thưa ông, trong những ngày đàm phán nước rút cuối cùng, Việt Nam đã thể hiện vai trò thể nào để góp phần làm nên sự thành công của TPP?

- Ông Trần Quốc Khánh:  Chúng ta đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán, nỗ lực cùng tất cả các nước làm nên vấn đề đa phương đó là đóng góp to của đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

{keywords}

Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh trả lời PV ngay sau khi xuống sân bay tối 6/10. (ảnh: Khánh Huyền)

Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Alanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số bộ trưởng ví dụ như Bộ trưởng Mexico, Hoa Kỳ… Trong tất cả các cuộc gặp cấp bộ trưởng đó, Bộ trưởng Hoàng đã cùng các đối tác của mình xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được.

Nhiều quốc gia đã coi TPP như một hiệp định mang tính lịch sử. Vậy điều gì đã tạo ra dấu ấn lịch sử này?

- Rất nhiều bộ trưởng các nước TPP đều cho rằng đây là hiệp định mang tính lịch sử, cá nhân tôi nhận thấy rằng TPP là hiệp định cũng có tính bước ngoặt bởi vì đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay bao gồm 12 quốc gia.

Trước nay chỉ có ASEAN là khu vực chỉ có 10 nước, hơn nữa đây là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu. Khi có một khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy đó là một thời khắc phải nói là rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới

Ngoài quy mô thì TPP có điểm gì đặc biệt so với FTA trước đây?

- So với các FTA trước đây thì TPP cũng là một hiệp định thương mại tự do có phạm cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn so với các FTA trước đây.

Đó là điển hình của các FTA thế hệ mới đề cập không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư và các vấn đề thương mại phi truyền thống, ví dụ như DNNN.

Lần đầu tiên các nước bàn bạc về DNNN trong một khu vực thương mại tự do. Tức là bên cạnh các vấn đề thương mại truyền thống, các vấn đề mới, các vấn đề đặt ra trong đầu thế kỷ 21. Chính vì vậy làm cho TPP khác biệt so với các khu vực thương mại tự do khác.

TPP là hiệp định với các tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại nước kém phát triển nhất trong các nước thành viên TPP. Vậy chúng ta có bất lợi trong TPP hay không?

- Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên chúng ta tham gia vào ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.

{keywords}

Ông Trần Quốc Khánh (ảnh: Khánh Huyền)

Sau đó đến năm 2000, chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, 2015, chúng ta ký hiệp định TPP.

Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.

Lợi ích của chúng ta là gì khi tham gia TPP, thưa ông?

- Lợi ích của chúng ta có nhiều, ví dụ chúng ta có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ hình thành vào trong khu vực của TPP, có cơ hội thu hút đầu tư

Vốn nội lực là quyết định nhưng vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Chúng ta có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội cho việc làm trong nước. Chúng ta có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình, giúp mình không bị phụ thuộc một cách quá mức vào khu vực thị trường Đông Á.

Mình có khả năng mở rộng thị trường hơn nữa, sang các nước TPP, đặc biệt là sang thị trường Hoa Kỳ, cùng với TPA với Liên minh châu Âu, chúng ta đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, đó là những cơ hội rất lớn.

Còn khó khăn đối với chúng ta thế nào?

- Khó khăn của chúng ta vẫn là sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên chúng ta hội nhập. Chúng ta đã hội nhập từ cách đây 20 năm.

Trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập và chuẩn bị vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này.

Tuy nhiên cũng có những ngành gặp khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp trong đó có chăn nuôi.

Tôi khẳng định rằng kết quả đàm phán lúc này chưa được công bố nhưng, chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%.

Chúng tôi rất hy vọng, trong thời gian đó, chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp. Làm sao cho nông nghiệp của chúng ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa để có thể chiến thắng ngay trên sân nhà. Không có lý do gì, là một nước nông nghiệp chúng ta lại không chiến thắng về các sản phẩm nông nghiệp.

Vậy các doanh nghiệp cần phải làm gì để tăng sự cạnh tranh?

- Tôi rất khó trả lời câu hỏi này. Mỗi doanh nghiệp nhìn đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau. Không thể có một câu trả lời chung cho doanh nghiệp thủy sản hay dệt may, mỗi doanh nghiệp có một câu trả lời khác nhau.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp của chúng ta rất năng động. Nếu như họ có tư duy hết sức đúng đắn, tiến công, mặc dù Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN nhưng nếu các DN xác định được rằng mình tự làm những gì mình có thể làm được trước khi kêu gọi sự giúp đỡ của Nhà nước.

Tôi nghĩ với tinh thần đó, các doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phạm Huyền - Duy Khánh