- Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực không thể “một mình một chợ” mà ngay từ lúc này cần phải liên kết tạo sức mạnh để phát triển kinh tế khu vực.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN 2015 với chủ đề “Tạo dựng giá trị thông qua kết nối Đông Nam Á” diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), ông Visit Tantisuntorn, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý kinh doanh Thái Lan (TMA) nhấn mạnh, các quốc gia ASEAN cần hợp tác với nhau để phát triển khu vực cũng như tạo thêm nhiều năng lực cạnh tranh. Động lực cho tăng tưởng kinh tế ASEAN bền vững chính là xây dựng chuỗi giá trị kết nối nhiều ngành công nghiệp chủ chốt.

Khi hình thành, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là một thị trường với 600 triệu dân, lớn thứ 7 thế giới với tổng GDP đạt 2.300 tỷ USD.

{keywords} 

Đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn cho thấy, kết nối hạ tầng là chìa khoá hội nhập khu vực. Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan, ông Arkhom Termpittayapaisith, cho rằng, khi hình thành AEC, các quốc gia ASEAN sẽ như một chính thể, vì thế giao thông rất quan trọng. Thái Lan kêu gọi các nước cần đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ khu vực biên giới để phát triển giao thương, hình thành các khu kinh tế vùng biên. Trong đó, giao thông nội địa và vận tải biển lĩnh vực chủ chốt.

“Các nước ASEAN nên suy nghĩ làm thế nào để kết nối lại với trong trong bối cảnh kinh tế khu vực đang phát triển chậm. Mỗi nước cần thấy rõ lợi ích của việc kết nối từ đó chia sẻ để tạo ra một cộng đồng chung trong khu vực”, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã có chương trình tổng thể từ 2015-2022 về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và mạng lưới sân bay, tàu điện cao tốc mở rộng sang các nước trong khu vực như đường sắt kết nối với hành lang kinh tế với Trung Quốc, Malaysia và Singapore qua Thái Lan, hành lang Myanmar với Việt Nam qua Thái Lan và Lào.

Indonesia đã lên kế hoạch phát triển hệ thống giao thông đường biển. Còn Lào cũng đã có chiến lược nhằm tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng kinh tế.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đến từ các nước cũng cho rằng việc một cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay hình thành sẽ tác động lớn tới các ngành như du lịch, vận tải hàng hoá và giao thương xuất nhập khẩu, tài chính gia tăng lao động việc làm.

Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề cần có một chiến lược cụ thể chung cho cả khu vực.

D.Anh (Từ Bangkok, Thái Lan)