- Đi nước ngoài công tác, anh Duy tưởng rằng đã thoát được các loại tin nhắn rao vặt bất động sản. Ai ngờ nhờ dịch vụ roaming của nhà mạng, anh phát hoảng bởi liên tục nhận được tin nhắn làm phiền.

Đi nước ngoài cũng bị tin nhắn rác quấy nhiễu

Sau một thời gian yên ắng, hiện tình trạng nhắn tin rác rao vặt bất động sản lại có xu hướng nở rộ. Theo đại diện của một đơn vị truyền thông, những tháng cuối năm, áp lực doanh số tăng cao cũng khiến cho môi giới nhà đất gia tăng đủ mọi hình thức tìm kiếm khách hàng. Trong đó, spam bằng tin nhắn vẫn được ưu tiên do chi phí rẻ, mặc dù đây được coi là “đốt trăm bó đũa mới bắt được một con ếch”.

Anh Duy, một nhân viên kinh doanh tại Hà Nội, phàn nàn: “Ở Việt Nam nhận được tin nhắn rao vặt nhà đất đã đành, nay đi công tác nước ngoài cũng không tránh được. Đang họp máy cứ rung ầm ầm, mở ra toàn là tin mời mua đất, chung cư,... ”. Trong chuyến công tác Thái Lan chưa đầy một tuần, anh Duy đã nhận được gần 30 tin nhắn rao vặt mua bán bất động sản.

Không chỉ ban ngày mà cả nửa đêm, anh Duy cũng nhận được tin mời mua nhà đất. “Lắm lúc bực mình chỉ muốn tắt điện thoại, nhưng vì công việc đành phải chịu cảnh bị làm phiền”, anh nói thêm.

{keywords}
Do áp lực về doanh số, nhân viên bán hàng tìm đủ chiêu tiếp cận khách mua (ảnh minh họa)

Là chủ tịch một hiệp hội, ông Châu cũng phải nghe rất nhiều cuộc điện thoại lạ mời mua nhà hay nhận cả đống tin nhắn rác. Tới nay, danh sách các số điện thoại bị ông Châu chặn trên Iphone của mình lên tới hàng trăm. Ông Châu cho hay, chỉ cần tham quan một sàn bất động sản, để lại số. Ngay sau đó hàng loạt sàn khác biết liền, không chỉ trong Nam mà cả ngoài Bắc cũng có số liên lạc của ông.

Để tránh các cuộc làm phiền, ông Châu sử dụng số điện thoại của mình và tên vợ trên một số hợp đồng nhà đất. Từ đó, mỗi khi có người gọi tới số ông và hỏi tên vợ, ngay lập tức ông sẽ tắt máy và cho vào danh sách đen.

Không chỉ dùng tin nhắn, nhiều môi giới còn tìm nhiều cách khác để có được khách hàng. Chị Nguyễn Thu Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây giật mình vì đang ăn cơm, tự nhiên có nhân viên môi giới của sàn tới gõ cửa tư vấn mời mua dự án.

Chị Minh kể, cuối tuần, trên đường từ nhà bà ngoại về, chị thấy một dự án bất động sản đang treo biển mở bán. Tò mò, chị rẽ vào vỉa hè xem thì được nhân viên môi giới ở đây phát cho mấy tờ rơi và mời chị vào bên trong để được tư vấn. Song, do có việc bận và cũng không có nhu cầu mua nên chị Minh từ chối ra về. “Không hiểu sao cò đất lại biết địa chỉ nhà mình mới lạ”, chị Minh thắc mắc.

Từ câu chuyện của chị Minh, đại diện một sàn bất động sản cho hay, một số môi giới còn theo chân khách về tận nhà để tìm ra địa chỉ, rồi lựa thời gian tới tư vấn. Tuy nhiên, số người làm theo cách này không nhiều.

Sàn lớn nuốt sàn bé

“Áp lực bán hàng hiện nay là rất lớn, sàn nào cũng phải chạy đua doanh số nên mới xảy ra tình trạng lộn xộn như vậy”, ông cho hay.

Ngoài cách tiếp thị truyền thống như rao vặt, tin nhắn, các sàn còn đuổi nhân viên kê bàn ngay vỉa hè để bán nhà. Nhân viên môi giới cũng biến đổi nhân sự liên tục vì áp lực doanh số. Phần lớn thị phần hiện tập trung ở vài sàn lớn, còn các đơn vị nhỏ lẻ đều phải chịu cảnh “cá lớn nuốt cá bé”.

{keywords} 

Theo tiết lộ của vị giám đốc này, các sàn lớn sẽ được chọn dự án ngay từ đầu. Họ lên kế hoạch quảng bá, bán hàng, còn các sàn nhỏ đều chỉ được làm đại lý phân phối sau sàn lớn. Sàn thứ cấp được hưởng hoa hồng thấp hơn nhưng áp lực doanh số lại lớn. Đến khi dự án bán chậm, sàn lớn bỏ cơ chế độc quyền, sàn nhỏ mới được phép nhảy vào.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, giám đốc một sàn BĐS mới thành lập ở Trung Hoà Nhân Chính, nói rằng, với tên tuổi nhỏ, đội ngũ bán hàng yếu thì sàn nhỏ luôn phải núp bóng các “ông lớn”. Sàn của chị Huệ, mặc dù tiếp cận dự án đầu tiên, nhưng do thiếu năng lực đã phải mời đối tác khác vào.

“Dù mình phải bỏ tiền quảng cáo trên truyền thông, khách hàng biết tới dự án nhưng khi xuống tiền, họ lại chọn các sàn lớn để yên tâm hơn”, chị Huệ nói về sự thua thiệt.

Ngoài ra, chị Huệ cho biết, nhân sự các sàn mới thường yếu do người có kinh nghiệm không muốn làm. Còn với các nhân viên mới, chỉ đào tạo một thời gian lại bỏ sang sàn lớn. Chính vì thế, sàn nhỏ luôn yếu kém về mọi mặt.

Hiện, giữa các sàn BĐS luôn có sự cạnh tranh gay gắt. Tình trạng "bằng mặt nhưng không bằng lòng" diễn ra như một điều hiển nhiên, vì đơn vị nào cũng sợ bị đối phương nhìn thấy điểm yếu hoặc lo lắng về khả năng mất cơ hội. Kể cả khi liên minh thành nhóm, các sàn bé vẫn luôn trong tầm ngắm của “cá mập” là sàn lớn.

D.Anh