Dùng bao cao su xong rồi “tiện tay” vứt xuống sân, cho trẻ con trèo lên cửa sổ “tè” xuống dưới, thậm chí đốt vàng mã ngay ở ban công…
Sống trong các chung cư với mong muốn ý thức tập thể cao hơn, sạch sẽ và an toàn… thế nhưng, những gì đang diễn ra ở trong các chung cư dù bình dân hay cao cấp ở Hà Nội quả thực khiến nhiều người ngao ngán khi ý thức cực kém của một bộ phận cư dân có thể gây tai nạn, cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Có lẽ, câu chuyện thiếu ý thức của một số cư dân ở các khu đô thị đã không còn là chuyện lạ mà rất đỗi bình thường.
Vừa qua, hình ảnh một số người dân say rượu rồi nôn mửa khắp từ tầng hầm đến thang máy ở khu đô thị CT3 Nam Cường (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đã khiến người dân nổi giận vì sự thiếu ý thức của những người này.
Cũng ở tòa nhà này, nhiều người dân phản ánh hiện tượng vứt rác, vỏ sữa, bao thuốc, giấy ăn, bông ngoáy tai... từ cửa sổ nhà tầng trên xuống các cửa sổ nhà tầng dưới đã xảy ra thường xuyên ở khu đô thị này.
Vẫn còn sợ hãi sau vụ cháy tòa nhà HH4A Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bên cạnh, nhưng chị H.Linh sống trong tòa nhà HH4B Linh Đàm không khỏi lo lắng trước ý thức của người dân trong tòa nhà.
Chị Hương chia sẻ: “Tưởng người dân sợ lắm, nhưng tôi thấy nhiều người không biết sợ là gì, một số tầng còn chặn để mở toang cửa thang thoát hiểm, để đồ dễ gây cháy ở hành lang, thang thoát hiểm. Thợ hàn thì bạ chỗ nào cũng có thể mang đồ ra “tác nghiệp” trong tòa nhà. Nhiều người vứt rác bừa bãi ra phòng rác mặc dù hố đổ rác ngay ở phía trên mà cũng lười đưa vào”.
Ngán ngẩm trước sự thờ ơ của bảo vệ tòa nhà, ý thức của người dân khi sử dụng tài sản chung, anh T.Tâm cư dân của tòa HH4C Linh Đàm cũng ngán ngẩm: “Thang máy thì có 6 cái, nhưng có hôm được 5 cái, hôm chỉ 3 cái hoạt động. Giờ đi làm về chờ vài lần mới tới lượt, nóng bức ngột ngạt, hễ thang xuống là mọi người chen lấn để vào trong khi nhiều người chưa trở ra. Trong thang máy, lũ trẻ thì tranh nhau bấm nút trên bảng điều khiển, trong khi bố mẹ chúng thì coi như không có chuyện gì xảy ra”.
Ở tầng cao, nhưng bố mẹ vẫn còn để con "tè" xuống bên dưới. Ảnh: FB Cư dân Đại Thanh |
Tới khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngoài hình ảnh chợ cóc, hàng quán nhếch nhác bủa vây bên dưới tòa nhà, chúng tôi còn được người dân nơi đây kể về những nỗi khổ về chuyện mất nước, nỗi vất vả mỗi khi lấy xe ra khỏi tầng hầm chật chội, bị xe khác chặn lối…
Nhiều người dân cho biết, họ rất bất bình khi mỗi lần xuống dưới sân là bị các vật thể “lạ” từ trên rơi xuống, khi là điếu thuốc, lúc là điếu cày, dao thớt, thậm chí bao cao su dùng xong cũng “tiện tay” quẳng xuống. Người dân còn chụp được cảnh người dân cho trẻ con trèo lên cửa sổ để “tè” xuống dưới…
Ngay cả ở các chung cư cao cấp, không hiếm gặp cảnh hàng ngày trên Facebook gặp các “nhà giàu” giật status than phiền, hoặc viết “tâm thư” trong diễn đàn của tòa nhà: Nào là suýt bị cái này cái kia rơi vào đầu, nào là chưa ra khỏi thang máy thì bốn năm người chen ngay vào không ra được nữa, nào là đứng trong thang máy mà cứ nói cười ầm ĩ, gọi điện “chém gió” như chỗ không người. Nào là vào thang máy không chịu tắt thuốc lá, khói um cả lên…
Nhiều khu chung cư, ban quản lý phải đầu tư thêm mấy cái lò hóa vàng to đùng bằng gang để dưới sân và nghiêm cấm hóa vàng trên nhà tầng.
Ấy thế mà không hiếm những khu vừa dọn về ở mấy tháng đã đôi ba lần báo động cứu hỏa – vì người ta hóa vàng, dọn chân hương… gói cả vào một gói ném vào cửa xả rác. Thạm chí hóa vàng ngay tại ban công căn hộ.
Hãi hùng khi chứng kiến một nhà đốt vàng mã lửa cháy đùng đùng ở trên ban công, chị Vân Anh, sống ở Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) kể: “Hôm đó tôi đi làm về nhìn lên tòa nhà thì thấy lửa cháy dữ dội ở ban công một hộ dân, tưởng cháy nhà nhưng nhìn kỹ thấy có người đứng bên cạnh, mấy người dân ở cạnh đó cũng bảo là không phải cháy đâu, ngày rằm họ đốt vàng mã đấy. Ý thức quá tối, chẳng may cháy nhà, hay khói làm hệ thống báo động kêu sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn người phải tháo chạy vì tưởng cháy”.
Nhiều khu đô thị đã có các quy định, cũng như các cuộc họp lên án và kêu gọi ý thức của một số cư dân thiếu ý thức này. Tuy nhiên, sự việc vẫn dừng lại ở mức độ kêu gọi, và dường như một số người dân vẫn đem thói ăn ở thiếu ý thức của mình đến những nơi văn minh.
Một số hình ảnh “khó tin” về ý thức của người dân sống ở chung cư:
Bao cao su dùng xong cũng bị ném xuống dưới qua cửa sổ. |
Đây là những gì mà người dân thấy được khi nó rơi từ tầng cao xuống. |
Nhà xe chật kín, và "lòi" ra nhiều xe giữa lối đi. |
Túi rác được chủ nhân từ tầng cao thẳng tay ném xuống dưới. |
Hóa vàng trên ban công, lửa cháy ngùn ngụt. |
Mặc dù có hố rác, nhưng rác vẫn không được đổ vào đúng chỗ. |
Tàn thuốc từ tầng cao ném xuống vào bạt nhà bên dưới, may chưa xảy ra cháy. |
Vụ cháy ở tòa nhà A1 Hạ Đình do người dân để bộ ghế sopa ngoài thang thoát hiểm. |
* Ảnh tổng hợp từ các nhóm Facebook của cư dân Linh Đàm, Đại Thanh
(Theo Gia đình & Xã hội)