- Quy định về trần lãi suất tại Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 24/11 tới đây. Tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau song tất cả đều hướng tới mục đích tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính và chống cho vay nặng lãi. Trong đó, nhiều ý kiến tiếp tục nhấn mạnh quy định này không áp dụng cho các tổ chức tín dụng là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngân hàng, lãi suất có luật chuyên ngành

Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) lần này đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến các đại biểu.

Phương án 1: Quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.

Phương án 2: Tiếp tục giữ quy định lấy cơ sở để xác định trần lãi suất cho vay là lãi suất cơ bản (LSCB), nhưng nới khung thêm 50%, từ quy định hiện hành là “lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của LSCB do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố” thành “các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo LSCB do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

{keywords}

Quy định về trần lãi suất tại Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận.

Trong đó, nhiều ý kiến nghiêng về phương án áp mức lãi suất cố định 20%/năm của khoản tiền vay.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH – ông Ngô Văn Minh, lý do mà Ủy ban Pháp luật đề nghị Thường vụ QH nghiêng về phương án áp lãi suất bằng 20%/năm là bởi nếu căn cứ vào những năm lạm phát cao thì lãi suất cho vay đều ở mức 15%-16%. Còn với phương án áp mức 200% LSCB thì các bên đưa ra đều không lý giải rõ vì sao lại chọn con số này.

Trong khi đó, NHNN giải thích họ quy định lãi suất cơ bản là để điều chỉnh chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô. Do vậy, NHNN đề xuất ấn định mức lãi suất cứng là 20%/năm của khoản tiền vay đối với các quan hệ dân sự ngoài ngân hàng, loại trừ áp dụng với các ngân hàng đã hoạt động theo Luật các TCTD.

Đại biểu (ĐB) Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phân tích, theo thông lệ, LSCB chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều chỉnh chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các loại lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau nên chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết trước mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố có phù hợp với loại vay hay không.

“Do đó, sử dụng LSCB để điều chỉnh các quan hệ dân sự không phù hợp sẽ gây khó khăn cho chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Quy định mức lãi suất cố định thì áp dụng dễ dàng, các bên tham gia đều biết ngay hậu quả pháp lý” – ĐB Lâm bày tỏ ý kiến.

Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, nên theo phương án 1, bởi quy định mức lãi suất cố định tối đa 20%/năm của khoản tiền vay sẽ đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, việc cho vay nặng lãi cũng dễ dàng xác định hơn.

Minh bạch và cạnh tranh chống tín dụng đen

Theo ĐB Danh Út (Kiên Giang), việc nâng mức lãi suất không vượt quá 200% đảm bảo quyền lợi cho người vay và cả người cho vay, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) tỏ ra không yên tâm với cả 2 phương án được đặt ra cho Điều 467 của dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi).

{keywords}

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau song tất cả đều hướng tới mục đích tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính và chống cho vay nặng lãi.

Ông phân tích với phương án lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được áp cố định thì chỉ có giá trị trong thời gian ngắn. Cho nên, khi đồng tiền trượt giá, lạm phát hoặc có sự thay đổi nào đó thì phần 20% này không còn nhiều ý nghĩa.

Còn với phương án quy định 200% LSCB, theo ông Ánh là hoàn toàn không khả thi, bởi từ năm 2011 đến nay, NHNN chưa hề đưa ra mức LSCB.

“Tôi đồng tình với phương án 2, nhưng bỏ chữ "lãi suất cơ bản", mà chuyển thành “lãi suất tái cấp vốn” do NHNN quy định, công bố. Bởi vì, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do ngân hàng Trung ương cấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay, được điều chỉnh hàng năm theo tình hình kinh tế của đất nước, tình hình thị trường nên nó sẽ đảm bảo hơn”, ông Ánh nêu quan điểm.

Mục đích của điều 467 là chống cho vay nặng lãi, tuy nhiên theo TS. Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) điều khoản này không nên áp dụng với các tổ chức tín dụng (TCTD) vì các tổ chức này đã được điều chỉnh bởi Luật các TCTD cũng như hệ thống luật ngân hàng. Trên thực tế, Luật các TCTD đã quy định các TCTD được phép thỏa thuận lãi suất theo quy định của pháp luật, còn dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) tuy có quy định trần lãi suất nhưng loại trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác.

Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng, dù bỏ hay không bỏ LSCB thì vẫn phải có quy định cụ thể, rõ ràng để xác định các TCTD không chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự mà được hoạt động theo đúng luật chuyên ngành. Điều này sẽ khiến giao dịch dân sự thông qua quy định được tự “thỏa thuận” sẽ khiến tín dụng đen mất lãnh địa hoạt động.

Hoàng Thủy