Về cơ bản đến thời điểm này, đã có những kết quả tích cực nhất định từ việc thực hiện Nghị quyết 19.

Nghị quyết 19/NQ-CP: Điều kiện cần….

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với một loạt hiệp định mới được ký kết, điển hình nhất là Hiệp định TPP đã được thông qua tháng 10 vừa qua, việc minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo cơ sở để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực doanh nghiệp quốc nội và thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì việc khai thông những vướng mắc trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách, môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu là một điều kiện cần thiết. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong hai năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết cùng mang số 19, Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Thực tế, về cơ bản đến thời điểm này, đã có những kết quả tích cực nhất định từ việc thực hiện Nghị quyết 19. Một số nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng đã được thực hiện và có kết quả. Tính riêng trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách hành chính thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế).

Bản thân những kết quả này cũng được Ngân hàng thế giới (WB) ghi nhận trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 (Doing Business 2016) mới công bố ngày 28/10/2015 vừa qua. Theo đó Việt Nam đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng. So với vị trí thứ 93 của năm 2015, Việt Nam đã tăng 3 bậc nhờ những cải cách mạnh mẽ từ 5 chỉ số có tác động lớn đến môi trường kinh doanh. Doing Business 2016 đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm cải cách mạnh mẽ nhất với nhiều chỉ số tăng hạng so với năm ngoái như: khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc, từ 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc, từ 130 lên 108); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc, từ 36 lên 28); nộp thuế (tăng 4 bậc, từ 172 lên 168).

…nhưng thực sự đã đủ?

Trên thực tế Việt Nam đã tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng do WB công bố với vị trí mới là 90/189. Song điều đáng nói ở đây là các nước trong khu vực tăng nhanh tương đối so với Việt Nam. Chúng ta đứng thứ 5 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Brunei, mặc dù ở lần công bố năm trước Việt Nam đứng trên Brunei khá xa. Cho dù thứ bậc trên bảng xếp hạng của các quốc gia này có thể dịch chuyển lên xuống vài bậc nhưng tính về điểm số tuyệt đối, tất cả đều tăng so với năm trước. Như vậy, cho dù chúng ta có tăng bậc, nhưng vẫn đi sau các nước trong khu vực, và mục tiêu đưa Việt Nam thăng hạng vào top ASEAN-4 về môi trường kinh doanh thuận lợi như mục tiêu của NQ 19/2015/NQ-CP vào năm 2016 là khá khó khăn. Rõ ràng các nền kinh tế trong khu vực đã tiến nhanh hơn Việt Nam. Nhiều nước đã thực hiện các nỗ lực cải cách theo hướng cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh từ khá lâu. Trong khu vực, Malaysia là nền kinh tế điển hình về cải thiện chỉ số này.

Mặc dù có thể nói báo cáo Doing Bussiness có thể chưa cập nhật những cái cách mà Việt Nam đã thực hiện theo Nghị quyết 19, theo đó, thời điểm kết thúc điều tra của Doing Business là ngày 31/05/2015, do vậy một số cải cách và đổi mới mà Việt Nam đã thực hiện chưa được WB ghi nhận, tuy nhiên, phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng nếu có thêm một vài điểm cải cách này đi chăng nữa, có thể vị trí của chúng ta trong Bảng xếp hạng của WB sẽ tăng đôi chút song thứ hạng so với các nước trong khu vực chưa chắc đã được cải thiện nhiều khi thực tế cho thấy chỉ mới có một vài bộ, ngành và cơ sở bắt tay vào cải cách, trong khi một số cải cách có thể đâu đó vẫn đang được điều chỉnh trên văn bản. Vì trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19. Nhiều bộ, cơ quan và hầu hết các địa phương có thể chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết. Nhiều giải pháp về quản lý chuyên ngành của các Bộ chưa được triển khai thực hiện.

Trong Hội thảo đánh giá 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của Viện NCQLKTTW (CIEM) vừa được tổ chức tháng 9 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, cũng nhấn mạnh đến 2 vấn đề lớn còn tồn tại trong việc thực hiện NQ 19 đó là điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hải quan, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, theo TS Cung, một vấn đề nữa được cho là đang cản trở những cải thiện về môi trường kinh doanh là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.

Tính riêng trong lĩnh vực cải cách thuế, trong một điều tra gần đây của Vietnam Report với các DN trong Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt nam có rất nhiều yếu tố mà các DN mong muốn được cải thiện, dẫn đầu vẫn là những vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 27% số DN thể hiện mong muốn này. Tiếp đó là sự tăng cường ứng dụng của CNTT trong các TTHC thuế; nâng cao năng lực giải quyết công việc của cán bộ thuế; và tăng tính công khai mình bạch trong thực hiện TTHC thuế.

{keywords}

Những yếu tố DN mong muốn cải thiện trong chính sách thuế hiện nay. Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 9/2015


Dù nhìn nhận ở góc độ nào đi chăng nữa, thì kết quả Doing business 2016 cũng đưa ra cảnh báo rất rõ là các bạn láng giềng đang tăng tốc rất nhanh để cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư nước ngoài và xa hơn là tạo ra một xã hội thịnh vượng cho chính quốc gia họ trong khi nếu môi trường kinh doanh của chúng ta không bằng được các nước trong khu vực thì năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trong nước cũng khó mà cải thiện được.

Có thể còn quá sớm để nói về những mục tiêu của NQ 19/2015 đặt ra bởi chưa hết năm 2015 nhưng rõ ràng rằng đã đến lúc cần có những đánh giá đúng mức, kịp thời, cụ thể từng cơ sở, từng mục tiêu để đảm bảo những yêu cầu về tạo lập một “môi trường kinh doanh thông thoáng” không còn là những câu chuyện viễn tưởng!

Ngày 27/11/2015, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Lễ công bố nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các Doanh nghiệp lớn Việt Nam vào sự phát triển chung của nước nhà, cùng với đất nước tiếp tục dấn bước trên con đường hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế Thế giới. Cũng trong khuôn khổ Lễ công bố sẽ vinh danh Top 50 Doanh nghiệp thành tựu xuất sắc giai đoạn 2011-2015 và giới thiệu Báo cáo thường niên Môi trường Thuế dựa trên kết quả điều tra Doanh nghiệp của Vietnam Report.


Vietnam Report