- Khoảng 58% doanh nghiệp đã từng gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thông quan.
Đó là một trong nhiều chỉ số phát hiện từ cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Tổng cục Hải quan công bố sáng 12/11.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, cuộc khảo sát đã thăm dó ý kiến doanh nghiệp về 5 lĩnh vực liên quan tới thủ tục hải quan, gồm xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát, thủ tục quản lý thuế, thủ tục thông quan, kiểm tra sau thông quan và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại.
Cảm nhận rõ nét đầu tiên từ cộng đồng doanh nghiệp là dù ngành hải quan có nỗ lực cải cách song thủ tục vẫn nhiêu khê.
Chẳng hạn như, trong 58% doanh nghiệp từng gặp khó khăn khi thông quan thì lý do chính là bởi thủ tục có quá nhiều biểu mẫu khai báo và thường xuyên thay đổi (83%); kế đến là do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa hải quan và cơ quan khác (60%).
Đặc biệt, 48% doanh nghiệp kêu ca rằng, họ bị yêu cầu cung cấp các thông tin, giấy tờ ngoài quy định. Đây mới là tỷ lệ trung bình. Có Cục hải quan địa phương, 73% doanh nghiệp phản ánh bị cán bộ đòi hỏi giấy tờ ngoài quy định.
Ngoài ra, 37% doanh nghiệp cho biết, hải quan không minh bạch, công bố rõ quy trình xử lý và các cán bộ thì không hướng dẫn đầy đủ, tận tình. Ở một số địa phương, tỷ lệ này lên tới 60-67%.
VCCI cũng đưa ra chấm điểm về mức độ khó dễ với các thủ tục hải quan. Qua đó cho thấy, cả 5 lĩnh vực thủ tục hải quan đều ghi nhận hơn 70% các doanh nghiệp đánh giá là ở mức độ bình thường.
Tuy nhiên, một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp nói rằng, thực hiện thủ tục ở cấp độ khó như hoàn thuế, không thu thuế (24%), xét miễn thuế (21%), kiểm tra sau thông quan cũng có tới 15% doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đánh giá chung về việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết, cứ 10 doanh nghiệp thì 5,4 doanh nghiệp gặp vướng mắc. Trong số này, 77% doanh nghiệp tìm tới cục hải quan địa phương và 11% thì hỏi Tổng cục Hải quan. Kết quả nhận lại về mức độ hài lòng khi được hải quan giải quyết vướng mắc lên tới 76%.
Dù vậy, VCCI vẫn ghi nhận còn tới 28% doanh nghiệp xác nhận họ phải trả chi phí bôi trơn cho cán bộ hải quan thì mới giải quyết được công việc theo nhu cầu. Nếu không chi các khoản tiền không chính thức này thì 39 doanh nghiệp e ngại sẽ bị phân biệt đối xử.
Phạm Huyền